Bất động sản có thể thành nơi trú ẩn của tội phạm ‘rửa tiền’

14/10/2021 09:12

Luật kinh doanh bất động sản 2014 chưa quy định giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, nên kinh doanh bất động sản có thể thành nơi trú ẩn của tội phạm “rửa tiền”, che giấu tài sản bất minh, tham nhũng, hoặc do phạm tội mà có.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
Bất động sản có thể thành nơi trú ẩn của tội phạm ‘rửa tiền’ - Ảnh 1.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị bổ sung quy định giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng - Ảnh: P.H.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - đưa ra cảnh báo trong văn bản góp ý xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật kinh doanh bất động sản, vừa gửi tới Bộ Tư pháp.

Theo ông Châu, Luật kinh doanh bất động sản 2014 chưa quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng nên thanh toán bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ vẫn phổ biến. Vì thế, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có thể trở thành nơi trú ẩn của tội phạm "rửa tiền", che giấu tài sản bất minh, tham nhũng, hoặc do phạm tội mà có.

Để ngăn chặn tình trạng này, HoREA kiến nghị Bộ Tư pháp bổ sung vào dự thảo nghị định hướng dẫn Luật kinh doanh bất động sản quy định: Thanh toán giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng, trừ các khoản thanh toán có giá trị nhỏ theo quy định của pháp luật về thuế.

Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng Luật kinh doanh bất động sản hiện nay chỉ điều chỉnh các hoạt động kinh doanh bất động sản, các hành vi có liên quan đến kinh doanh bất động sản kể từ sau thời điểm các bên đã ký giao kết hợp đồng kinh doanh bất động sản, chưa có quy định điều chỉnh các hành vi giao dịch thực hiện trước thời điểm giao kết hợp đồng như: 

- Nhận đặt cọc giữ chỗ, 

- Hứa mua hứa bán, 

- Hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết, 

- Hợp tác kinh doanh thông qua các hình thức như biên bản thỏa thuận, vi bằng thừa phát lại, bản ghi nhớ, phiếu thu tiền đặt cọc...

Vì thế, những năm qua đã phát sinh một số vụ việc lừa đảo, phân lô bán nền, giao kết hợp đồng trái pháp luật như đứng tên mua, thuê đất hộ người nước ngoài tại các địa điểm nhạy cảm về quốc phòng và an ninh. 

Hoặc các vụ sai phạm như bán nhà, nền nhà không phải của mình; kinh doanh bất động sản kiểu đa cấp biến tướng; huy động vốn trái phép; trốn thuế, gây thiệt hại lớn cho khách hàng, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Để lấp đầy khoảng trống quy định pháp luật này, ông Lê Hoàng Châu đề nghị bổ sung quy định cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở được nhận đặt cọc, góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để đảm bảo giao kết hợp đồng với giá trị đặt cọc, góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết, với giá trị không được vượt quá 30% giá trị bất động sản.

Đồng thời, bổ sung quy định hình thức văn bản thỏa thuận là hợp đồng đặt cọc, góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết giữa chủ đầu tư với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Theo B.Ngọc/ Tuổi trẻ VN