Nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn chuẩn bị phương án phòng rủi ro khi đầu tư BĐS

12/09/2021 08:29

Trải qua 4 đợt dịch, theo các chuyên gia nhiều nhà đầu tư đã có sự chuẩn phương án phòng rủi ro. Trong đó, đa số chịu đựng được khoảng 3-4 tháng tới, nên thị trường vẫn chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, cắt lỗ.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
avatar1630896613547-16308966138381300497483-1631410053.jpeg
 

Có một thực tế là, sau mỗi đợt dịch giá BĐS vẫn tăng. Với đợt dịch lần tư, dù vẫn diễn biến phức tạp nhưng nghịch lý diễn ra là giá bán BĐS không giảm, nhà đầu tư cũng không bán tháo, cắt lỗ ồ ạt như dự đoán.

Hầu như các nhà đầu tư BĐS chưa bán lỗ mà chỉ giảm lời kì vọng so với thời điểm chưa diễn ra dịch bệnh. Đối với nhà đầu tư có tiền nhà rỗi, họ vẫn xem BĐS là kênh đầu tư hàng đầu, trong số đó vẫn âm thầm săn BĐS mùa dịch.

Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS, trong khảo sát tháng 5/2021, 45% nhà đầu tư vẫn muốn đầu tư BĐS so với 35% muốn đầu tư vào chứng khoán. Dù dịch diễn biến phức tạp kéo dài liên tục trong 3 tháng (tháng 6,7,8) giá BĐS không giảm, dòng tiền vẫn âm thầm đổ vào BĐS. Có chăng ở một số phân khúc, nhà dầu tư giảm lợi nhuận kì vọng, bằng việc giảm 2-5% chứ chưa phải bán cắt lỗ. Điều này cho thấy, nhà đầu tư vẫn chờ đợi thị trường tốt lên sau dịch.

"Dịch lần này, 80% nhà đầu tư chuyên nghiệp chuẩn bị phương án phòng rủi ro khi đầu tư BĐS, nên sức chịu đựng có họ có thể được thêm 3-4 tháng tới. Còn 20% các nhà đầu tư chưa chuẩn bị kịp trong thời điểm hiện nay bắt đầu khó khăn trong việc cầm cự", ông Quang cho hay.

Theo ông Quang, nhưng nếu dịch kéo dài đến cuối năm thì có thể hiện tượng giảm giá trên thị trường thứ cấp sẽ thể hiện rõ nét hơn. Bởi, trải qua nhiều tháng đóng tiền lãi vay ngân hàng, gồm tiền đóng tiếp cho mấy lô đất hoặc các căn hộ, nhà đầu tư BĐS sẽ đuối. Người ta sẵn sàng cắt lỗ nếu dịch kéo dài" ông Quang khẳng định.

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay đã chuẩn bị sẵn cho đợt dịch này rồi. Sau đợt dịch thứ nhất, thứ hai, thứ ba tới đợt dịch thứ tư, họ đã có một phương án phòng thủ, tức là chuẩn bị sẵn tiền mặt để có thể sống được qua mùa dịch.

"Đối với người đang giữ BĐS, theo tôi nên cố gắng giữ khoảng 3 tháng thì có thể vượt qua được. Còn nếu dịch kéo qua 4 tháng, thì nên tái cơ cấu tài sản giữ tiền mặt lại với nhau. Còn đối với người mua canh BĐS hiện nay, chúng ta cứ canh. Vì BĐS giá trị phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu. Chúng ta cứ canh bất động sản phù hợp với nhu cầu", ông Quang cho hay.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn chuẩn bị phương án phòng rủi ro khi đầu tư BĐS - Ảnh 1.

 

Theo bà Phạm Minh Nguyệt, Giám đốc marketing Công ty Propzy, thị trường bất động sản tại Tp.HCM luôn có một nhu cầu rất lớn và là những nhu cầu chính đáng từ phía người dân. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng đã xuống thấp từ khoảng quý 4/2020 đến nay khiến bất động sản trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm. 

Thời gian gần đây, các số liệu của công ty cho thấy tỷ lệ khá cao những người có sổ tiết kiệm trong khoảng 3 –7 tỉ đầu tư vào bất động sản vì lãi suất tiết kiệm cũng đã xuống khá thấp. Ngoài ra, lãi suất vay có xu hướng giảm cũng kích thích các nhà đầu tư vay tiền mua bất động sản.

Báo cáo đơn vị này chỉ ra, thực tế trong chu kỳ 18 tháng từ tháng 1/2020 đến 6/2021 giá giao dịch bất động sản tại các khu vực tại Tp.HCM tuy có bị tác động qua các đợt dịch nhưng nhìn chung trong xu thế tăng giá. Trong đó phân khúc nhà phố vẫn tăng trên dưới 10%.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group phân tích, dù dịch bệnh diễn ra, thị trường vẫn không ghi nhận sự hoảng loạn hay bối rối. Thị trường hiện trong trạng thái tạm lắng, tức mọi thứ đang đứng yên, dĩ nhiên không thể nào có mức tăng đột biến, nhưng đồng thời cũng không có hiện tượng giảm giá sâu ở bất cứ phân khúc nào. 

"Sự tạm dừng lần này của thị trường có phần rất khác biệt so với giai đoạn 2013-2014. Bởi sự hạn chế của Covid-19 khiến các hoạt động giao dịch, buôn bán buộc phải "nghỉ đông". Chứ bản chất nền kinh tế hay thị trường không có bất kỳ bất ổn gì", ông Ngô Quang Phúc đánh giá. 

Có chăng thời điểm thị trường trở lại trạng thái cũ sẽ phụ thuộc vào tình hình của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong ba tháng tới, các lệnh giãn cách được gỡ bỏ thì rất có thể thị trường sẽ có giao dịch mạnh mẽ. Thậm chí một khoảng tăng giá hay "ấm nhẹ" cũng có thể diễn ra khi thị trường trở lại.

Dù vậy, một số nhà đầu tư trong giai đoạn này đang cân đối lại danh mục đầu tư. Đặc biệt là nhóm đang đầu tư số lượng nhiều và áp lực tài chính cao. Chính nhóm nhà đầu tư này đang tạo ra hoạt động giao dịch trên thị trường. Chưa có hiện tượng giảm giá quá sâu ở một phân khúc nào và các giao dịch bán ra cũng đạt kỳ vọng, chứ không hề có hiện tượng bán tháo, hay cắt lỗ. Do đó ông Phúc đánh giá thị trường vẫn được kiểm soát tốt.

Còn đối với nhóm nhà đầu tư chân ướt chân ráo vào thị trường, theo ông Phúc sẽ không tránh khỏi bối rối. Nhưng nhà đầu tư cũng nên an tâm, không cần quá lo lắng, nếu sản phẩm của họ đang đầu tư là sản phẩm dành cho nhu cầu ở thật, có thanh khoản tốt. Nếu có thể gồng gánh được trong giai đoạn từ 3 tới 6 tháng đợi dịch bệnh kiểm soát thì khoản đầu tư đó vẫn tốt. 

Theo Hạ Vy/Nhịp Sống Kinh Tế