Quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu còn nhiều bất cập

21/01/2022 00:12

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Chiều 23/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.

Số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Trong năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm. Đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của cả nước. 

Về cơ bản, các vụ án về trật tự xã hội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.

Số vụ phạm pháp hình sự giảm 8,06%, số người chết giảm 13,26%, số người bị thương giảm 12,11%. Một số loại tội phạm giảm và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như: mua, bán người giảm 45,07%, số vụ cướp tài sản giảm 24,02%, đánh bạc giảm 12,6%, trộm cắp tài sản giảm 11,13%, giết người giảm 7,26%...Tai nạn giao thông giảm ở cả 03 tiêu chí (giảm 22,07% số vụ, giảm 14,86% số người chết, giảm 26,99% số người bị thương).

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là trong đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao và ở mức cao. 

Đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm  trình bày Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Ảnh: TL.

 

Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, số vụ phát hiện, xử lý giảm 4,92%; đã điều tra, xử lý nghiêm hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần tích cực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Số vụ mới được phát hiện giảm 0,41%, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số vụ tạm đình chỉ điều tra còn tăng. Còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. 

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu còn nhiều sơ hở, bất cập

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết: UBTP nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vừa chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

UBTP cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, song nhấn mạnh về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm trẻ em tăng 9,26%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 4,19%, gây rối trật tự công cộng tăng 18,73%. Số vụ giết người tuy có giảm, giảm 7,26%), tuy nhiên xảy ra một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng 20,18% và diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng Công an...

“UBTP đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn nữa về hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm này, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và có giải pháp để đấu tranh có hiệu quả trong thời gian tới”, Chủ nhiệm UBTP nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp  Lê Thị Nga . Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm UBTP cũng chỉ ra, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc…vẫn diễn ra công khai. Bên cạnh đó, một số đối tượng đã lợi dụng mạng internet, mạng xã hội để đăng nhiều bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho hay, dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần sớm có quy định của pháp luật về vấn đề này. 

Hiện nay mới có Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định: Ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương MTTQVN; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; một số tổ chức, đơn vịđược cơ quan có thẩm quyền cho phépthì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế…

Theo Vy Thảo /Đảng Cộng Sản