Rộ dấu hiệu đầu cơ đất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn

25/05/2023 12:41

Huyện Lý Sơn đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài địa phương. Thế nhưng không ít cá nhân từ các tỉnh, thành khác vẫn được giải quyết thủ tục mua đất nông nghiệp.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Đất nông nghiệp bị "thổi giá"

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có hơn 22.000 dân, khoảng 55% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp. Huyện có trên 300ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng hành, tỏi.

Từ năm 2018, nhiều người đến huyện đảo mua gom đất nông nghiệp, đẩy giá đất lên cao ngất ngưởng. Giá đất nông nghiệp ở Lý Sơn được "thổi" lên gấp 20-30 lần so với giá quy định của nhà nước. Tùy vị trí mà đất được mua với giá 1-1,5 triệu đồng/m2. Những thửa đất có mặt tiền hướng biển, gần trung tâm huyện có thể được mua với giá cao hơn.

Rộ dấu hiệu đầu cơ đất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn - 1

Huyện đảo Lý Sơn có khoảng 300ha đất trồng hành, tỏi (Ảnh: Quốc Triều).

Ông T.H. có gần 3 sào đất trồng hành, tỏi. Thời điểm 2019, mảnh đất của ông được định giá hơn 2 triệu đồng/m2. Giá đất quá cao nên ông H. quyết định bán 900m2 đất, thu về gần 2 tỷ đồng. Theo ông H., thu nhập từ trồng hành, tỏi khá bấp bênh. Do đó, ông quyết định bán bớt một phần đất lấy tiền đầu tư vào việc khác.

"Cơn sốt" đất nông nghiệp tại Lý Sơn kéo dài suốt nhiều năm. Đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất. Theo quy hoạch này, huyện đảo Lý Sơn được định hướng phát triển thành thành phố, có sân bay và nhiều dự án lớn khác.

Trước thông tin trên, tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp tại Lý Sơn lại diễn biến phức tạp. Hoạt động mua gom đất trồng hành, tỏi tiếp tục "nóng", giá đất nông nghiệp lại tăng cao.

Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp, chính quyền huyện đảo đã chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai. Đặc biệt là kiểm soát việc chuyển nhượng đất nông nghiệp cho những cá nhân ngoài huyện đảo.

Rộ dấu hiệu đầu cơ đất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn - 2

Canh tác hành, tỏi khá bấp bênh, trong khi đất nông nghiệp bị "thổi giá" nên nhiều người dân Lý Sơn đã bán đất (Ảnh: Quốc Triều).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết huyện đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người dân ngoài địa phương. Điều này nhằm ngăn chặn việc đầu cơ đất nông nghiệp, gây tác động xấu đến huyện đảo.

Tuy nhiên, các giao dịch đất đai trong thời gian qua đều được người dân thực hiện thông qua các văn phòng công chứng tư, không thông qua chính quyền địa phương nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Chính quyền nói một đằng, thực tế lại một nẻo?

Theo bà Phạm Thị Hương, đến thời điểm này, huyện Lý Sơn vẫn tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người dân ngoài địa phương. Tuy nhiên, những thông tin phóng viên có được cho thấy thực tế lại khác.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Lý Sơn tiếp nhận 24 hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp. Trong đó có 18 hồ sơ đã được giải quyết.

Đáng lưu ý, các cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không phải là người dân Lý Sơn. Những người này đến từ nhiều tỉnh, thành; trong đó có nhiều trường hợp mua gom nhiều thửa đất nông nghiệp cùng lúc.

Chẳng hạn như, ông L.M.D. (TP Hà Nội) đã được giải quyết thủ tục nhận chuyển nhượng cùng lúc 6 thửa đất nông nghiệp. Tổng diện tích đất ông D. mua lên đến 2.3000m2. Bà B.T.H. (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng mua 3 thửa đất nông nghiệp với tổng diện tích gần 1.400m2.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương thừa nhận, có tình trạng giải quyết hồ sơ nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài huyện. Tuy nhiên những trường hợp này không nhiều.

 "Huyện đã yêu cầu không chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài địa phương, đây là quan điểm xuyên suốt. Vì thế, sau khi nắm bắt thông tin này, chúng tôi đã họp và phê bình Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Lý Sơn. Huyện đã yêu cầu đơn vị này dừng giải quyết các hồ sơ nhận chuyển nhượng mới", bà Hương nói.

Bà Hương cho rằng, những trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp như phóng viên phản ánh chỉ đăng ký biến động. Việc này do Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Lý Sơn thực hiện nên chính quyền địa phương chậm nắm thông tin.

Thế nhưng trên thực tế có một số trường hợp xin cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với những trường hợp này buộc phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn huyện Lý Sơn.

"Cái này tôi sẽ cho kiểm tra", bà Hương nói.

Rộ dấu hiệu đầu cơ đất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn - 3

Nhiều thửa đất nông nghiệp có vị trí đẹp trên đảo Lý Sơn đã được bán cho những cá nhân ngoài huyện đảo (Ảnh: Quốc Triều).

Phản hồi thông tin trên, ông Vũ Thanh Hà, Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Lý Sơn, cho rằng hiện chỉ có quy định tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp tại đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn). Riêng ở đảo Lớn, không có bất cứ văn bản nào quy định nội dung này.

Thời gian qua, đơn vị chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp tại đảo Lớn. Việc này là phù hợp với chỉ đạo của tỉnh và các quy định của pháp luật.

"Huyện Lý Sơn có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, nhưng nội dung rất chung chung. Huyện chỉ yêu cầu tiếp nhận, xử lý đúng quy định của pháp luật, không có nội dung nào yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cho người không có hộ khẩu tại huyện đảo. Do đó chúng tôi đã thực hiện đúng quy định, những người ngoài đảo nhưng đủ điều kiện vẫn được giải quyết nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp", ông Hà nhấn mạnh.

Theo Quốc Việt/Báo Dân Trí

https://dantri.com.vn/bat-dong-san/ro-dau-hieu-dau-co-dat-nong-nghiep-tren-dao-ly-son-20230522205038761.htm