Rủi ro “rình rập” nhà đầu tư “ham” trái phiếu bất động sản lãi cao

09/09/2021 07:03

Theo Bộ Tài chính, đối với các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

 

Rủi ro “rình rập” nhà đầu tư “ham” trái phiếu bất động sản lãi caoẢnh minh họa.

Vài năm trở lại đây, để lấy vốn đầu tư cho dự án, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tung ra các đợt phát hành trái phiếu lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đi kèm với mỗi đợt phát hành trên, các chủ đầu tư thường đưa ra mức lãi suất cao hơn từ 2-3 lần so với ngân hàng. Hình thức này hiện bị cơ quan chức năng cảnh báo nhiều rủi ro.

Mới đây, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) đã công bố kết quả chào bán thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 24 tháng, ngày đáo hạn tương ứng là 3/6/2023.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu KBC thuộc sở hữu của bên thứ ba và không phải nợ thứ cấp của công ty. Lãi suất áp dụng cố định là 10,5%/năm, trả lãi 6 tháng/lần.

Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12%, kỳ hạn 12 tháng. 

Mục đích phát hành là mua lại phần vốn góp của các cổ đông Công ty CP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến, sở hữu lô đất ở Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Đây chỉ là hai trong hàng chục doanh nghiệp bất động sản đang tham gia vào “cuộc đua” phát hành trái phiếu để lấy vốn đầu tư dự án thời gian qua.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), 7 tháng đầu năm nay có 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị trên 235.000 tỷ đồng và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để huy động 1 tỷ USD. Giá trị phát hành riêng lẻ vẫn áp đảo với hơn 225.000 tỷ đồng, trong khi lượng vốn huy động được từ phát hành ra công chúng chưa đến 9.600 tỷ đồng. 

Riêng với lĩnh vực bất động sản, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 192.203 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản phát hành 4.950 tỷ đồng.

Đáng chú ý, không chỉ tung ra nhiều đợt phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp còn “đua nhau” đưa ra các mức lãi suất cao, khiến các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải “lên tiếng” cảnh báo các rủi ro.

Cụ thể, Bộ Tài chính ngày hôm qua đã phát đi thông cáo cho biết, trong thời gian vừa qua thị trường TPDN có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau gần 8 tháng triển khai các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, thị trường TPDN vẫn duy trì đà tăng trưởng. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường TPDN riêng lẻ cũng tiềm ẩn một số rủi ro như: một số doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản); có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

Theo quy định hiện hành tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.

Theo Bộ Tài chính, đối với các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Hơn nữa, với tính chất rủi ro cao hơn nên TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu  

“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu”, Bộ Tài chính khuyến cáo.

Theo Tuấn Minh/BizLIVE