Thấy gì từ bức tranh tài chính của Công ty Tuấn Mai, doanh nghiệp nhiều 'tai tiếng' tại Bắc Giang?

11/05/2022 11:42

Được biết đến với nhiều vướng mắc liên quan đến các dự án bất động sản và vi phạm thuế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Công ty Cổ phần Thương mại Tuấn Mai (Công ty Tuấn Mai) có bức tranh tài chính khá sáng sủa. Tuy vậy, số lãi ít ỏi thu về mỗi năm dường như lại không tương xứng với với quy mô tài sản lên tới hàng nghìn tỷ của doanh nghiệp này.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Thấy gì từ bức tranh tài chính của Công ty Tuấn Mai, doanh nghiệp nhiều 'tai tiếng' tại Bắc Giang?

Tuta Center là một trong những dự án dính nhiều vướng mắc của Công ty Cổ phần Thương mại Tuấn Mai tại Bắc Giang.

Doanh nghiệp nhiều "tai tiếng" tại Bắc Giang

Công ty Cổ phần Thương mại Tuấn Mai được thành lập vào ngày 12/8/2007, trụ sở chính đặt tại tầng 6 toà nhà Tuta Center, số 3, đường Hùng Vương 1, phường Lê Lợi, TP. Bắc Giang. Doanh nghiệp này do ông Nguyễn Công Lâm là người đại diện pháp luật, kiêm giám đốc. Vốn điều lệ tính đến cuối 2020 của Tuấn Mai là 980 tỷ đồng.

Lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Tuấn Mai gồm: kinh doanh bất động sản; kinh doanh khách sạn, nhà hàng; mua bán, sửa chữa, bảo hành hàng điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, tin học; mua bán thiết bị điện tử viễn thông, thiết bị văn phòng, nhà ở, máy móc, thiết bị công trình, dịch vụ vui chơi giải trí; xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng; cho thuê nhà và trang thiết bị kỹ thuật đặc biệt.

Không chỉ khẳng định vị trí trong lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, công ty này đang “bước chân” rất nhanh vào lĩnh vực bất động sản với vai trò là chủ đầu tư tòa nhà hiện đại bậc nhất tại TP. Bắc Giang là Tuta Center, nằm trong khu trung tâm mua sắm và dịch vụ giải trí cao cấp Tuấn Mai. Tòa nhà gồm 68 căn hộ bán và cho thuê tại tầng 3, 4, 5; 80 gian hàng mua sắm thời trang, trang sức mỹ phẩm cao cấp tại tầng 1,2; cụm 4 rạp chiếu phim 3D, khu spa, sân golf mini, quầy bar, nhà hàng Nhật Bản tại tầng 6.

Mặc dù vậy, Công ty Tuấn Mai cũng được biết đến với nhiều vướng mắc liên quan đến các dự án bất động sản và vi phạm về thuế. Đơn cử như năm 2021, dự án khu đô thị hỗn hợp, giải trí cao cấp thuộc khu đô thị mới phía Nam, xã Tân Tiến, TP. Bắc Giang của liên danh Công ty Cổ phần Tula - Công ty Cổ phần Thương mại Rùa Vàng - Công ty Cổ phần Thương mại Tuấn Mai có quy mô 9,45ha, với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, bị "tuýt còi" vì kinh doanh trong khi đang nằm trong diện chưa được phép mở bán.

Cũng trong năm 2021, dự án Rùa Vàng City tại ngã tư thị trấn Vôi, đối diện với UBND huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần thương mại Tuấn Mai với tổng diện tích 81,32ha bị nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản, tiềm tàng nhiều rủi ro cho khách hàng, nhà đầu tư. Theo giới thiệu, dự án có các hạng mục gồm: khu biệt thự, lô đất liền kề, shophouse và được thi công thành 3 giai đoạn.

Hay như tháng 11/2019, Cục Thuế tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thương mại Tuấn Mai do đơn vị này có hành vi khai thuế sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước, vi phạm các quy định của pháp luật về thuế.

Theo đó, Công ty Cổ phần Thương mại Tuấn Mai phải nộp số tiền phạt vi phạm là hơn 27 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phải nộp số tiền chậm nộp đối với số tiền thuế truy thu là hơn 10 triệu đồng.

Bức tranh tài chính của Công ty Tuấn Mai

Theo dữ liệu mà VietnamFinance có được, trong giai đoạn 2018 - 2020, doanh thu thuần của Công ty Tuấn Mai liên tục thăng giáng từ mức 149,5 tỷ đồng (2018) xuống còn 61,8 tỷ đồng (2019) rồi đạt mức 84,9 tỷ đồng (2020).

Do giá vốn bán hàng luôn neo ở mức cao nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn lần lượt đạt 10,8 tỷ đồng vào năm 2018 và 9,5 tỷ đồng vào năm 2019. Sang năm 2020, nhờ kiểm soát tốt được giá vốn bán hàng, doanh nghiệp đạt gần 23 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp lần lượt được cải thiện qua các năm, từ 6,7% lên 15,5% rồi 27%.

Lãi gộp mỏng, lại bị "bào mòn" bởi các chi phí khác (chi phí tài chính và chi phí quản lý) nên lợi nhuận thuần của Công ty Tuấn Mai liên tục âm trong 2 năm 2018 và 2019, lần lượt: âm gần 5 tỷ đồng và âm 318 triệu đồng. Sang năm 2020, doanh nghiệp mới có lãi 5,5 tỷ đồng.

Cũng theo dữ liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn 2018 - 2020, tài sản của Công ty Tuấn Mai liên tục được bồi đắp một cách đầy ấn tượng. Từ mức 707 tỷ đồng vào năm 2018, tổng tài sản đã tăng lên 1.281 tỷ đồng vào năm 2019 và đạt 2.169 tỷ đồng vào năm 2020. Như vậy chỉ sau 3 năm, tổng tài sản của doanh nghiệp này đã tăng gấp 3 lần.

Điểm đáng chú ý trong cơ cấu tài sản của Công ty Tuấn Mai là khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Cụ thể, năm 2019, doanh nghiệp này góp vốn gần 300 tỷ đồng vào đơn vị khác. Con số này tăng lên 801 tỷ đồng vào năm 2019 và đến năm 2020, Tuấn Mai đã đầu tư hơn 1.756 tỷ đồng vào các đơn vị khác.

Đáng chú ý, trong 3 năm qua, hàng tồn kho của Công ty Tuấn Mai liên tục gia tăng. Từ mức 71 tỷ đồng (2018) lên 99 tỷ đồng (2019) và đạt 177 tỷ đồng vào năm 2020. Dễ thấy, lượng hàng tồn kho của Công ty Tuấn Mai tăng mạnh nhất vào giai đoạn cả nước đối mặt với đại dịch Covid-19.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Công ty Tuấn Mai tương đối thấp. Năm 2018, số nợ phải trả chiếm khoảng 23,3% tổng nguồn vốn; năm 2019 chiếm 2,9% và năm 2020 chiếm 13%. Tất cả số nợ này đều là nợ ngắn hạn.

Ấn tượng nhất trong nguồn vốn của Công ty Tuấn Mai là sự gia tăng liên tục của vốn chủ sở hữu. Nếu như năm 2018, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 542 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số này là 1.242 tỷ đồng và đến năm 2020 là 1.874 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu tăng từ 100 tỷ đồng năm 2018 lên 890 tỷ đồng vào 2020. Thặng dư cổ phần của Tuấn Mai cũng tăng từ 447 tỷ đồng lên 894,5 tỷ đồng trong giai đoạn này.

Trong bảng lưu chuyển tiền tệ, năm 2019, dòng tiền kinh doanh của Công ty Tuấn Mai âm 288 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh âm thể hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; trong việc thu tiền bán hàng và cung cấp dịch vụ. Rất may, tình trạng này đã được cải thiện vào năm 2020 khi dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp đạt 383,5 tỷ đồng.

Nhìn vào bảng lưu chuyển tiền tệ của Công ty Tuấn Mai cũng có thể thấy được doanh nghiệp này đang không ngừng mở rộng quy mô đầu tư khi tăng cường mua sắm, xây dựng thêm tài sản cố định hoặc gia tăng đầu tư vốn ra bên ngoài, dẫn đến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư lần lượt âm 282 tỷ đồng vào 2018, âm 502 tỷ đồng vào 2019 và âm tới hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Theo Ngọc Lưu/VietNam Finance