Đất nền Củ Chi, Hóc Môn bị thổi giá
Thời gian qua, giá bất động sản dường như không có dấu hiệu chững lại mà chuyển động theo chiều hướng liên tục tăng.
Thị trường bất động sản tại TPHCM có diễn biến trái chiều. Trong khi bất động sản ở Thủ Thiêm và TP Thủ Đức đang im lìm sau lùm xùm đấu giá 4 lô đất vàng thì ở khu vực Củ Chi và Hóc Môn đang tăng chóng mặt, tiềm ẩn nhiều rủi ro của tình trạng thổi giá.
Đáng nói, các loại đất rao bán nhiều nhất vẫn là các loại đất nông nghiệp được đánh bóng thành khu biệt thự, dân cư vườn. Trên thực tế, một số "đầu nậu" mua đất ruộng, đất trồng cây lâu năm của người dân với giá rẻ, sau đó tự tách thửa thành nhiều lô nhỏ từ 500 m2 đến 1.000 m2 rồi bán lại.
Giá đất Củ Chi tăng chóng mặt thời gian gần đây (Ảnh: Xuân Hinh). |
Báo cáo mới đây của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, lượt tìm kiếm đất nền tại huyện Củ Chi và Hóc Môn bắt đầu tăng lên ngay thời điểm kỳ nghỉ Tết kết thúc và nhanh chóng vượt mức trước thời điểm nghỉ Tết (tháng 2). Xu hướng này cũng tương đồng với nhu cầu tìm mua, giao dịch thực tế tại các khu vực trên.
Tại Huyện Củ Chi, khu vực xã Nhuận Đức và xã Bình Mỹ ghi nhận lượt tìm kiếm thông tin tăng trưởng mạnh ngay từ giai đoạn sau Tết. So với giai đoạn 4 tuần trước Tết, lượt tìm kiếm ở xã Nhuận Đức tăng 210% và xã Bình Mỹ tăng 152%. Giá bán trung bình cho một mảnh đất 200 m2 tại Huyện Củ Chi dao động ở mức 3,4 tỷ đồng đến 3,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 17,5 triệu đồng/m2).
Tương tự, tại huyện Hóc Môn, từ tháng 1 và tháng 2 năm nay lượng tin đăng có xu hướng chững lại nhưng có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ trở lại trong tháng 3 vừa qua. Các phân khúc về đất đều chứng kiến mức tăng tương tự xu hướng chung của toàn phân khúc. Tuy nhiên sự tăng trưởng về số lượng thể hiện rõ ràng nhất ở 2 loại hình đất thổ cư và đất nông nghiệp.
Theo ghi nhận, một mảnh đất rộng 3.000 m2 trên địa bàn xã Đông Thạnh (Hóc Môn) đang trồng rau nhút nhưng giá bán tới gần 7 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ đồng/sào), tăng hơn 1 tỷ đồng so với trước Tết. Đáng nói, đất này thuộc khu vực quy hoạch nên không thể chuyển thành đất thổ cư để xây dựng được.
Cẩn trọng mắc bẫy "cò đất"
Theo lý giải của nhà đầu tư, khi có một vài đề xuất đưa 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn lên thành phố và việc TPHCM sắp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi đầu tư vào 55 dự án tại 2 huyện này, không ít người đã đổ xô tới 2 địa phương này để mua đất, khiến giá đất một số khu vực tăng chóng mặt như trên.
Ông Trần Văn Dũng - một nhà đầu tư bất động sản nhiều kinh nghiệm - nhìn nhận, các huyện vùng ven của TPHCM như Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn giá đất còn khá rẻ nên nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ nhìn ra tiềm năng của các khu này. Một số thông tin cũng khiến cho giá đất tại đây rục rịch tăng, chẳng hạn như tin quy hoạch các huyện này lên thành phố hay sau hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra vào tháng 4...
Chia sẻ về thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho biết, nhiều người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi, nhất là các đầu nậu, cò đất, hay các doanh nghiệp bất lương đã làm cho giá đất ở huyện Củ Chi, Hóc Môn "loạn lên".
Ông Châu thừa nhận hạ tầng giao thông tốt hay việc thúc đẩy phát triển ở khu vực nào thì giá đất ở đó tăng theo. Dù vậy, người mua cần cân nhắc bởi không phải khu vực nào cũng phù hợp quy hoạch. Nếu chọn đúng khu vực phát triển dân cư sẽ được lợi nhưng nếu gặp phải khu vực quy hoạch công viên cây xanh hay đường sá thì chắc chắn người mua lãnh đủ, còn cò hay đầu nậu hưởng lợi.
"HoREA đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn liều, nhắm mắt mua đất giá cao rồi không bán được. Trước đây, đã có nhiều doanh nghiệp làm "đầu nậu", thổi giá đất bị xử lý, người mua chịu thiệt hại. Vì thế, những người có ý định mua đất lúc này phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang", ông Châu cảnh báo.