Thủ Thiêm có gì mà Tân Hoàng Minh quyết chi đến 2,4 tỷ đồng để mua một m2 đất?

12/12/2021 09:31

Với mức giá đất cao nhất lên đến hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đang lăn tăn tính bài toán sản phẩm gì sẽ được tạo ra.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
Thủ Thiêm có gì mà Tân Hoàng Minh quyết chi đến 2,4 tỷ đồng để mua một m2 đất?

 

2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm đắt hay rẻ?

Theo sát phiên đấu giá suốt ngày 10/12, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng không thể nói cảm tính giá 4 lô đất đấu thành công là đắt. Bởi cả 4 lô đều trải qua hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt trả giá căng thẳng, bám đuổi nhau. 

Như lô đất ký hiệu 3-9 có diện tích hơn 5.000 m2 mà Công ty TNHH Thương mại Bình Minh trúng đấu giá với giá 5.026 tỷ đồng, trải qua đến 140 lượt trả giá, với các bước giá nhỏ từ 8-10 tỷ đồng. Các lô 3-8 và 3-5 cũng tương tự, khi nhà đầu tư so kè nhau và trải qua hàng chục lần trả giá.

Riêng lô đất 3-12 mà phía Tân Hoàng Minh trúng đấu giá, kịch tính được đẩy đến phút cuối khi các bước giá được đẩy lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp lớn đã ngay lập tức dừng lại từ mức giá 8.800 tỷ đồng, nhường cuộc đua cho Ngôi Sao Việt thành viên Tân Hoàng Minh và Công ty CP Capital One Financial.

Ông Chủ Tân Hoàng Minh thể hiện quyết tâm có bằng được lô đất đã liên tục đưa ra những bước giá lớn từ 400-500 tỷ đồng. Và đến lượt trả giá thứ 69, Capital One Financial đưa ra mức giá cuối cùng là 23.800 tỷ đồng. Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đã nhanh chóng "chốt" với bước giá cách đối thủ đến 700 tỷ đồng, trở thành người thắng đấu giá với 24.500 tỷ đồng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, quy trình đấu giá diễn ra đúng theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp khi tham gia đấu giá là đã có cho chiến lược kinh doanh của mình, và tính toán trước khi quyết định đưa ra giá mua, họ không bị bất cứ áp lực nào. 

"Giá được tạo lập qua đấu giá công khai, minh bạch thì không thể nói đắt được, mà phải nhìn nhận theo thị trường. Mức giá lên đến 1 tỷ, thậm chí 2,4 tỷ đồng/m2 có thể là cao so với hiện tại, nhưng chưa chắc cao trong tương lai. Điều này thể hiện nhu cầu của doanh nghiệp muốn đầu tư vào Thủ Thiêm, và khẳng định giá trị đất tại đây. Tất nhiên, mức giá này là không ai tiên lượng trước", ông Châu nói.

Ông Châu cũng cho rằng phiên đấu giá thành công gây tiếng vang đối với nhà đầu tư quốc tế, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngoại đang tìm cơ hội xâm nhập thị trường bất động sản Thủ Thiêm.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết ông rất vui vì những phiên đấu giá đầu tiên thành công. Sở dĩ các doanh nghiệp chịu bỏ ra số tiền gấp nhiều lần mức giá khởi điểm TP. HCM đưa ra, là do khẩu vị đầu tư. Điều này chứng tỏ tỏ nhà đầu tư rất "yêu" TP.HCM, và đều mong muốn làm dự án trên những lô đất đẹp tại khu đô thị đặc biệt của thành phố.

Ông cũng cho rằng TP cũng cân đo trong việc mở phiên đấu giá 4 lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thời điểm, khi vừa trải qua giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19, liệu tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong giai đoạn này có phù hợp để TP.HCM đấu giá thành công với giá tốt cho các lô đất đẹp? Nhưng thực tế không phải vậy. 

Thủ Thiêm có gì mà Tân Hoàng Minh quyết chi đến 2,4 tỷ đồng để mua một m2 đất? - Ảnh 1.

Chủ tịch HoREA khẳng định mức giá tại phiên đấu giá là không ai tiên lược được, nhưng qua đó có thể thấy nhu cầu doanh nghiệp muốn đầu tư vào Thủ Thiêm, và tiềm năng, giá trị thực của khu vực đặc biệt này.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp có thâm niên với lĩnh vực bất động sản thì tỏ ra nghi ngờ về giá và tính hiệu quả của các dự án, cũng như kế hoạch phát triển của những chủ sở hữu vừa thắng đấu giá. Bởi sản phẩm bất động sản, chi phí đất quyết định giá bán. Trong khi tại Thủ Thiêm, nhiều lô đất đẹp thời điểm này giá thấp hơn rất nhiều.

Riêng các chuyên gia kinh tế thì khẳng định sau cuộc đấu giá này, giá đất tại Thủ Thiêm nói riêng và TP.HCM nói chung đã thiết lập một mặt bằng mới. Và điều này càng khó khăn cho thành phố trong kế hoạch đầu tư nhà giá hợp lý cho người lao động. 

Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn bao nhiêu đất?

Thông tin từ Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện khu đô thị này còn 67 lô đất. Trong đó, Chính phủ đồng ý giao cho Tập đoàn Lotte 6 lô để tiếp tục thực hiện dự án, 6 lô liên quan đến hai công trình tôn giáo chưa được điều chỉnh quy hoạch.

Theo kế hoạch ban đầu, TP.HCM sẽ bán đấu giá 19 lô đất ở các khu chức năng số 3 và số 4 của khu đô thị mới Thủ Thiêm. 4 lô vừa đấu giá thành công được xem là hoàn thiện hạ tầng và công tác bồi thường sớm nhất, nên được đưa ra bán đấu giá trước.

Dự kiến đầu năm 2022 sẽ bán đấu giá 6 lô đất ở khu chức năng số 1 và các lô đất trong dự án xây dựng 3.790 căn hộ (đấu giá đất và nhà chung cư trên đất) tại khu 38,4ha thuộc phường An Khánh (TP Thủ Đức), với mức giá khởi điểm khoảng 14.700 tỷ đồng.

Các lô đất còn lại ở khu 2C và các khu phức hợp, trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn và các lô đất giáo dục ở các khu chức năng 3 và 4... hiện vẫn do Nhà nước quản lý.

Nằm giáp ranh quận 1, bên bờ sông Sài Gòn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) có diện tích 657 ha, được chia làm 8 khu chức năng với công năng riêng biệt.

Khu chức năng số 1 tại phía bắc Khu Lõi Trung tâm của khu đô thị, được quy hoạch là khu thương mại dịch vụ đa chức năng mật độ cao...

Khu số 2 ở phía Nam khu trung tâm, quy hoạch thương mại, khu dân cư đa chức năng và khu thể thao giải trí, căn hộ, khách sạn cao cấp. Ngoài ra, khu vực này còn được chia nhỏ ra làm 3 khu  2A, 2B và 2C, với các dự án quy mô lên hàng tỷ USD, hiện đã có chủ đầu tư.

Thủ Thiêm có gì mà Tân Hoàng Minh quyết chi đến 2,4 tỷ đồng để mua một m2 đất? - Ảnh 2.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nối với trung tâm quận 1 qua hầm Thủ Thiêm.

Khu số 3 là khu thương mại đa chức năng được bố trí dọc tuyến Đại lộ Vòng cung. Các khu chức năng dân cư hỗn hợp với mật độ xây dựng thấp ở 2 bờ sông. Công trình điểm nhấn tại khu này là trường học và nhà bảo tàng.

Khu chức năng số 4 ở phía Bắc Thủ Thiêm, là khu dân cư đa chức năng. Gồm các công trình thương mại mật độ cao tập trung dọc Đại lộ Vòng cung. Các khu chức năng dân cư và công trình công cộng có mật độ thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn. Các công trình điểm nhấn tại đây là trường học, trung tâm sinh hoạt cộng đồng và cơ quan hành chính.

Khu chức năng số 5 có một phần là khu dân cư hỗn hợp nhưng chủ yếu tập trung nhiều các chức năng cộng đồng...

Khu chức năng số 6 là nơi tập trung các hoạt động kinh tế, dịch vụ y tế, giáo dục và nghiên cứu công nghệ thông tin, với Công viên Phần mềm ở phía Bắc Đại lộ Đông Tây. Một phần trong khu chức năng này là trường học quốc tế, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, nhà phố thương mại.

Khu chức năng số 7 ở phía Đông, bao gồm nhiều chức năng khác nhau. Đáng chú ý là khu khách sạn nghỉ dưỡng Vùng châu thổ phía Nam kết hợp với cảnh quan tự nhiên của Thủ Thiêm...

Khu chức năng số 8 được thiết kế để đảm bảo mảng xanh cho toàn bộ Thủ Thiêm. Phần lớn diện tích ở đây là đất trồng đước, các tuyến giao thông đường thủy. Khu này hiện nay là 220 ha lâm viên sinh thái tự nhiên. Có 3 dự án là khách sạn nghỉ dưỡng Vùng châu thổ phía Nam nổi, công viên nước và khu nghiên cứu thực vật.

Theo M.Hằng/ Doanh nghiệp và Tiếp thị