Lo ngại thị trường bị ‘bóp nghẹt’ khi TP.HCM thu thuế BĐS thứ hai trở lên

08/12/2022 00:03

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì nhiều người lo ngại chính sách thuế mới này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS cũng như tâm lý nhà đầu tư.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Cần có lộ trình, áp dụng rộng rãi  

UBND TP.HCM vừa trình Chính phủ một số cơ chế, chính sách đặc thù muốn được thí điểm để tạo động lực phát triển. Trong đó có chính sách thuế thu bổ sung với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên. 

Mục đích thí điểm chính sách thuế này nhằm tăng nguồn thu ổn định, hạn chế tình trạng đầu cơ và bỏ hoang nhà đất tại các dự án bất động sản (BĐS) hiện nay. Đồng thời, làm cơ sở để xây dựng chính sách chung về sau.

Đề xuất thí điểm thu thuế nói trên được đông đảo người dân TP.HCM quan tâm. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì nhiều người lo ngại chính sách thuế mới này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS cũng như tâm lý nhà đầu tư. 

Đề xuất thí điểm thu thuế BĐS thứ hai trở lên của UBND TP.HCM được dư luận quan tâm. 

Ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc R&D của DKRA Vietnam cho biết, thời điểm hiện tại thị trường BĐS đang khó khăn, trầm lắng. Việc thí điểm thu thuế BĐS thứ hai trở lên có thể khiến cho thị trường BĐS TP.HCM “ngủ đông”, mất nhiều thời gian để phục hồi. 

Theo ông Thắng, việc thu thuế BĐS thứ hai trở lên là bài toán phức tạp, cần tính toán chi tiết để tránh bất công bằng xã hội. Điểm mấu chốt ở đây là phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý đất đai, bao gồm “người sở hữu” và “định giá BĐS”. Từ đó mới xác định được người sở hữu hai BĐS trở lên và mức thuế họ phải nộp.

“Cần tính toán mức thuế làm sao cho phù hợp, hạn chế tình trạng đầu cơ hoặc mua BĐS rồi bỏ hoang nhưng không quá cao để tránh bóp nghẹt thị trường. Thị trường BĐS cũng là một thị trường hàng hoá, nếu can thiệp quá thô bạo sẽ tác động hàng chục ngành nghề khác”, ông Thắng nói.

Phó Giám đốc R&D của DKRA Vietnam cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã đánh thuế căn nhà thứ hai trở lên như Singapore, Mỹ, Đức hay Trung Quốc. Nếu áp dụng, TP.HCM cần tính toán mức thuế phù hợp cho từng loại hình BĐS như đất nền, nhà phố, căn hộ…

Dù ủng hộ việc thu thuế đối với BĐS thứ hai trở lên nhưng ông Thắng cho rằng cần có lộ trình thích hợp, có thể từ 3 – 5 năm tới, áp dụng tại các đô thị lớn trước. 

Lo ngại dòng tiền đầu tư ‘chạy khỏi’ TP.HCM

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho hay, trong bối cảnh thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc đề xuất thí điểm thu thuế BĐS thứ hai trở lên là chưa hợp lý. 

Theo ông Quang, điểm chưa hợp lý đầu tiên là thị trường BĐS chưa có sự minh bạch. Muốn minh bạch thì phải thực hiện số hoá BĐS, có số liệu thống kê giao dịch cũng như giá trị giao dịch trên thị trường. 

“Thu thuế BĐS thứ hai trở lên chưa thể thực hiện được nếu không phân biệt được hạn mức số lượng BĐS và giá trị BĐS sở hữu. Như một BĐS có giá trị gấp 10 lần BĐS nhỏ, nếu đánh thuế theo số lượng BĐS thì sẽ dẫn đến bất công với những người sở hữu BĐS giá trị thấp”, chuyên gia Trần Khánh Quang phân tích. 

Chuyên gia này nhận định, nếu chính sách này được áp dụng thì sẽ tác động mạnh đến thị trường BĐS, đặc biệt là TP.HCM. Khi đó, nhà đầu tư có xu hướng tìm cách “né thuế” và dòng tiền đầu tư vào BĐS cũng sẽ “chạy khỏi” Thành phố. 

Theo ông Quang, việc đánh thuế BĐS này không thể hạn chế được tình trạng đầu cơ. Bởi tại TP.HCM, sản phẩm BĐS có tính tương đồng cao, đáp ứng nhu cầu ở thực nhiều. Khó đầu cơ vì không mua được sản phẩm này thì có sản phẩm khác. 

Còn ở tỉnh xa, các sản phẩm BĐS có tính tương đồng thấp và có sự chênh lệch rõ về giá bán. Tình trạng đầu cơ ở những nơi này xuất hiện nhiều hơn TP.HCM. 

Theo Anh Phương/Vietnam.net

https://vietnamnet.vn/lo-ngai-thi-truong-bi-bop-nghet-khi-tp-hcm-thu-thue-bds-thu-hai-tro-len-2088607.html