‘Tàu cao tốc 200km/giờ là lạc hậu, nhiều nước đã có tàu siêu tốc 1.000km/giờ’

30/09/2023 09:10

Ông Đoàn Văn Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CEO Group cho rằng, việc phát triển tàu cao tốc 200km/giờ là lạc hậu, vì nhiều nước trên thế giới và gần nhất là Trung Quốc đã xem xét có những tàu siêu tốc có tốc độ 1.000km/giờ.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

‘Tàu cao tốc 200km/giờ là lạc hậu, nhiều nước đã có tàu siêu tốc 1.000km/giờ’

Ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam

Đề cập tới vấn đề hoàn thiện hạ tầng thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ phát triển bất động sản, ông Bình cho rằng, quan sát hạ tầng trên thế giới, các sân bay không chỉ là nơi đi lại mà ở đó còn là nơi mua sắm, vui chơi, giải trí. Và quan trọng nhất là trở thành điểm đến của khu vực. Đặc biệt, sân bay là cỗ máy kiếm tiền và mang du khách đến đất nước. Do đó, nếu sân bay Long Thành sắp tới làm được điều này sẽ rất tốt để thu hút thêm khách du lịch, nâng cao phát triển kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, để tăng khả năng kết nối giữa các vùng kinh tế, ông Bình cũng cho rằng, cần phát triển tàu cao tốc. Tuy nhiên, việc phát triển tàu cao tốc chỉ 200km/giờ là đang lạc hậu, vì nhiều nước trên thế giới, và gần nhất là Trung Quốc đã xem xét có những tàu siêu tốc 1.000km/giờ.

Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển BĐS, ông Bình cũng kiến nghị cho phép người nước ngoài là đối tượng sử dụng đất. Cần tạo điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, BĐS du lịch theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng bộ giữa Luật Đất đai với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.

Bên cạnh đó, “Hầu hết các nước trên thế giới đều có các cơ chế phát triển đặc khu kinh tế. Thậm chí có những đặc khu kinh tế rất hấp dẫn mà các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và phát triển. Vì vậy, nếu có thể, chúng ta cũng nên xem xét một vài khu kinh tế ven biển để phát triển thành đặc khu kinh tế”, ông Bình nêu.

Bàn giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản, ông Đoàn Văn Bình kiến nghị Nhà nước xem xét tham gia trực diện hơn vào việc cung cấp nhà ở xã hội, tạo lập thị trường cạnh tranh, theo cơ chế thị trường, đa dạng phân khúc, mở rộng đối tượng, linh hoạt về địa điểm.

Theo kinh nghiệm của New Zealand, nhà ở xã hội có 2 bên cung cấp. Bên thứ nhất là nhà nước xây nhà ở xã hội để cho thuê và cũng tạo điều kiện cho tổ chức tư nhân tham gia. Trên thị trường, nhà nước cung cấp khoảng 65% nhà ở xã hội, 35% còn lại là của 61 nhà phát triển tư nhân.

Nhà ở xã hội của nhà phát triển tư nhân có giá cho thuê bằng 80% giá thị trường, nhà nước bù 20% tiền thuê cho doanh nghiệp tư nhân. Như vậy thì nhà nước vẫn điều hành, tạo ra một thị trường cạnh tranh, vận hành theo cơ chế thị trường, quan trọng là tạo ra một sân chơi bình quyền cho nhà ở xã hội, vị trí nhà có thể là ở bất kỳ đâu, các phân khúc nhà ở xã hội cũng rất đa dạng từ trung cấp đến cao cấp.

“Các mô hình nhà ở xã hội cho thấy điểm chung là Chính phủ tham gia trực diện hơn, vận hành bằng cơ chế thị trường, không phân biệt nhà ở xã hội hay nhà ở giá rẻ, đa dạng địa điểm”, ông Bình nói.

Theo Kỳ Thư/VietNam Finance

https://vietnamfinance.vn/tau-cao-toc-200kmgio-la-lac-hau-nhieu-nuoc-da-co-tau-sieu-toc-1000kmgio-20180504224289456.htm