Sau một năm sóng gió, có doanh nghiệp địa ốc "bốc hơi" 82% vốn hóa

06/11/2023 05:00

Sau một năm khó khăn, vốn hóa một số doanh nghiệp bất động sản giảm từ vài chục, thậm chí hơn 80%.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Sau thời gian sốt nóng giai đoạn đầu năm 2022, từ quý II và quý III, bất động sản bắt đầu có dấu hiệu chững lại và ảm đạm vào giai đoạn cuối năm. 

Đến nay, ngành kinh doanh này vẫn chưa vượt qua được khó khăn. Điều này được phản ánh rõ trên biến động vốn hóa của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường chứng khoán.

Tại thời điểm ngày 31/10/2022, thị trường có 8 doanh nghiệp bất động sản có giá trị vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng bao gồm: Công ty cổ phần Vinhomes (Vinhomes - mã chứng khoán: VHM), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã: NVL), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex - mã: BCM), Công ty cổ phần Vincom Retail (Vincom Retail - mã: VRE), Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR), Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã: KDH), Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI), Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG).

Số liệu cho thấy Vinhomes là doanh nghiệp bất động sản có giá trị vốn hóa lớn nhất với 195.947 tỷ đồng, xếp thứ 2 là Novaland với 136.488 tỷ đồng tính tại thời điểm này.

sau-mot-nam-song-gio-co-doanh-nghiep-dia-oc-boc-hoi-82-von-hoa-1699172822.png
 

Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán Vietcap, tính tại ngày 1/11, thị trường có 16 doanh nghiệp bất động sản có quy mô vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng. Sau một năm, số lượng doanh nghiệp tăng gấp đôi nhưng quy mô giảm mạnh.

Năm ngoái, vốn hóa của Vinhomes ở mức 198.947 tỷ đồng nhưng năm nay giảm 15% về mức 169.820 tỷ đồng.

Quy mô giảm mạnh nhất phải kể đến là Novaland, lên tới 82%. Cách đây một năm, Novaland đứng thứ 2 thị trường về vốn hóa với mức 136.488 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ còn khoảng 25.156 tỷ đồng. Mức vốn hóa này của Novaland tương đương với quy mô của Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes (mã chứng khoán: SSH), Khang Điền.

Một doanh nghiệp địa ốc khác cũng giảm mạnh quy mô là Phát Đạt khi chỉ còn chưa bằng 50% vốn hóa so với năm ngoái.

sau-mot-nam-song-gio-co-doanh-nghiep-dia-oc-boc-hoi-82-von-hoa-1-1699172822.png
 

Trường hợp hiếm hoi có vốn hóa tăng mạnh tới 40% bất chấp thị trường bất động sản đóng băng là Khang Điền. Năm ngoái giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này ở mức 16.722 tỷ đồng thì hiện nay tăng lên mức 22.860 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác năm nay có vốn hóa vươn lên trên 10.000 tỷ đồng như Sunshine Homes, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã: KBC), Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã: NLG).

Theo Mộc An/Báo Dân Trí

https://dantri.com.vn/bat-dong-san/sau-mot-nam-song-gio-co-doanh-nghiep-dia-oc-boc-hoi-82-von-hoa-20231102095350304.htm