Sau 10 năm kể từ khi khởi công, Thành phố mới Bình Dương vẫn trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu.
Thành phố mới Bình Dương được xây dựng từ tháng 4/2010 với kỳ vọng trở thành trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương, thay thế cho thành phố Thủ Dầu Một. Đô thị mới này có quy mô 1.000 ha, nằm trên địa bàn phường Phú Mỹ, xã Định Hòa (TP Thủ Dầu Một), xã Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp (huyện Tân Uyên) và xã Hòa Lợi (huyện Bến Cát) với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 150.000 tỷ đồng.
Theo dự kiến, toàn bộ dự án được hoàn tất vào năm 2020 và trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương được dời về đây. Tuy nhiên đến nay, dự án không phát triển được như kỳ vọng.
Hiện nay, dù hạ tầng đã hoàn thiện với những trục đường nội khu lớn dẫn vào khu đô thị mới này, Thành phố mới Bình Dương vẫn còn rất hoang vắng.
Với quỹ đất lớn dành cho các khu nhà ở cao và thấp tầng, hàng hoạt dự án bất động sản đã được đầu tư và phát triển bởi nhiều chủ đầu tư trong nước và nước ngoài. Một trong những dự án đầu tiên của khu vực là khu căn hộ cao cấp IJC Aroma do Becamex là chủ đầu tư với quy mô hơn 2,1 ha và tổng vốn 728 tỷ đồng. Dự án cung cấp gần 500 căn hộ và các kiosk dành riêng cho kinh doanh thương mại. Giá giao dịch căn hộ của dự án này ở mức khoảng 20 - 27 triệu đồng/m2.
So với các khu vực mới như Thuận An, Dĩ An, số lượng các dự án bất động sản tại Thành phố mới ở mức hạn chế. Giai đoạn 2009 - 2014 có 3 dự án căn hộ được mở bán và không có dự án mới trong gần 5 năm. Đến 2018-2019, thời điểm bùng nổ các dự án căn hộ ở Bình Dương, Thành phố mới đóng góp 2 dự án vào thị trường, gồm Midori Park The View và giai đoạn 2 của Sora Gardens.
Sora Gardens II là dự án liên doanh giữa Công ty TNHH Becamex Tokyu và Công ty TNHH Mitsubishi Jisho Residence, gồm 2 block 24 tầng, cung cấp 560 căn hộ. Giá căn hộ tại đây dao động ở mức 33 - 35 triệu đồng/m2, hiện đã bán được khoảng 40%.
Mặc dù được quy hoạch bài bản, hiện đại và nhiều dự án bất động sản cao cấp, lượng người sống ở đây vẫn còn ít ỏi, không được như kỳ vọng. Chuỗi dự án Uni-Tower được đầu tư xây dựng quy mô lớn nhưng do không có người sinh sống, nhiều dãy nhà bắt đầu xuống cấp nhanh chóng
Những trục đường chính vào khu đô thị như Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Lê Duẩn... đều được thiết kế rộng rãi nhưng rất ít người qua lại, ngay cả thời điểm trong tuần.
Bên cạnh các công trình được xây dựng từ ban đầu như trung tâm hành chính tỉnh, Đại học Quốc tế Miền Đông và một số dự án nhà ở..., không có nhiều dự án mới được thực hiện, trong khi các công trình cũ đã có dấu hiệu xuống cấp. Quỹ đất trống tại khu vực này cũng còn rất lớn.
Quỹ đất lớn, song các nhà đầu tư lại không mấy mặn mà. Thời gian qua, khu vực này hầu như không triển khai thêm các dự án mới mà chỉ tiếp tục phát triển giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu.
Dãy kios thương mại, shophouse đa số bị bỏ trống do không có ai thuê để kinh doanh do cộng đồng cư dân quá ít ỏi.
Một trong những nguyên nhân chính khiến dự án không thành công như mong đợi là do bất động sản ở đây được rao bán với mức giá ban đầu quá cao, chủ yếu ở phân khúc cao cấp, chỉ phù hợp với khách hàng đầu tư thay vì hướng đến nhu cầu ở thực của người dân địa phương là các cán bộ, công nhân viên trong các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, giới đầu tư nhận định Thành phố mới Bình Dương có vị trí xa trung tâm TP.HCM hơn các khu vực Thuận An, Dĩ An, trong khi lại thiếu hụt các tiện ích dân sinh như bệnh viện, chợ trường học, nhà giá rẻ... Chính vì vậy, để khu đô thị này hồi sinh cần có thời gian dài và sự đầu tư thêm cho đời sống của dân cư tại đây.
Khoảng cách từ Thành phố mới Bình Dương và thành phố Thủ Dầu Một đến khu trung tâm TP.HCM. Đồ họa: Nhân Lê.
Bình Dương xuất hiện các dự án mới ra mắt năm 2020 có giá chạm mốc 45 triệu đồng/m2, cao hơn một số nơi ở TP.HCM.
Được xem là "thủ phủ" khu công nghiệp phía Nam, Bình Dương đang dần lột xác với hàng chục dự án bất động sản cao tầng tập trung vào 2 thành phố mới.