Bị đề xuất cấm hoạt động, môi giới bất động sản độc lập “kêu oan”

18/10/2021 08:58

Bộ Xây dựng đề xuất cấm cá nhân môi giới bất động sản hoạt động độc lập nhằm quản lý, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của hoạt động môi giới. Tuy nhiên, ý kiến này đang gây nên một làn sóng tranh cãi trong cộng đồng môi giới nhà đất. Nhiều môi giới động lập cho rằng đề xuất này là "bất công" với họ.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
 

Chặn môi giới làm ăn chụp giật

Trong “Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản” mới đây của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) có nhiều nội dung được đề xuất nhằm chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản.

Trong đó có đề xuất cấm cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập. Theo đó, đề xuất mới quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới và phải có chứng chỉ hành nghề...

Sau khi thành lập doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng nơi tổ chức hoạt động và Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản để được đăng tải công khai trên hệ thống quản lý của địa phương.

Đề xuất cấm cá nhân hoạt động môi giới độc lập

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay các quy định về hoạt động môi giới còn có lỗ hổng, chế tài xử phạt chưa cao nên dẫn đến tình trạng môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn "sốt ảo" để kiếm lợi.

Đặc biệt, với cá nhân hoạt động môi giới do hành nghề ở bất kỳ đâu, họ có hai xu hướng hoạt động kinh doanh: Một là ăn theo các sàn giao dịch BĐS để lấy thông tin, làm cộng tác viên hoặc môi giới thứ cấp. Hai là tự đi khai thác nguồn thông tin sản phẩm có nhu cầu bán và chủ yếu là nhà, đất ở có sẵn để môi giới cho khách hàng có nhu cầu mua.

"Mục tiêu của họ chỉ là làm cách nào bán được sản phẩm nhanh và hiệu quả nhất và thường không có trách nhiệm với khách hàng, người tiêu dùng đối với các sản phẩm họ đã môi giới", nội dung văn bản của Bộ Xây dựng.

Có vơ đũa cả nắm?

Anh Thái, một nhà đầu tư và kiêm môi giới bất động sản cho biết, đề xuất trên của Bộ Xây dựng là cứng nhắc, theo kiểu “không quản được thì cấm”. Đề xuất này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của một lực lượng đông đảo môi giới cá nhân trên thị trường.

Anh Thái cho rằng, cái gì cũng có hai mặt. Môi giới hoạt động độc lập cũng có người tốt người xấu. Doanh nghiệp hoạt động môi giới cũng có doanh nghiệp uy tín doanh nghiệp làm ăn chụp giựt, thậm chí hậu quả gây ra còn gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với môi giới độc lập.

Thời gian qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp kiểu Alibaba tung hoành trên thị trường gây đau khổ cho hàng ngàn khách hàng.

Anh Thái thừa nhận, môi giới bất động sản độc lập cũng có người bất chấp vì lợi ích cá nhân nhưng cũng có rất nhiều người làm việc hết sức vì lợi ích khách hàng. Do đó, không thể “vơ đũa cả nắm” cho rằng môi giới hoạt động độc lập là thiếu chuyên nghiệp, lừa lọc.

“Môi giới độc lập hay trong các doanh nghiệp muốn tồn tại trên thị trường đều phải hướng tới sự chuyên nghiệp, đạo đức. Họ đóng góp cho lợi ích của khách hàng và góp phần không nhỏ cho sự phát triển của thị trường”, anh Thái nói.

Không phải môi giới độc lập nào cũng đang "gây hại" khách hàng

Chị Kiều Trinh, một môi giới độc lập khác cũng chia sẻ, làm môi giới tự do thì cũng như mọi ngành nghề khác trong xã hội phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. Nếu làm sai thì sẽ có pháp luật xử lý. Môi giới độc lập hay môi giới trong các công ty thì khi cung cấp sai thông tin, gây thiệt hại cho khách hàng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hiện nay, môi giới độc lập có bộ phận là các nhân viên từng trải trong các doanh nghiệp môi giới. Họ có kinh nghiệm, kiến thức và mối quan hệ nên muốn tự phát triển nghề nghiệp chứ không chịu gò bó như ở công ty.

Mặt khác, nhiều khách hàng lại thích cộng tác với môi giới độc lập bởi sự tin tưởng và tính linh hoạt hơn trong công việc.

“Hãy để cho khách hàng và thị trường tự thanh lọc. Những ai hoạt động độc lập mà làm ăn chụp giật, kiểu lừa lọc thì họ chỉ làm được vài lần rồi tự đào thải chứ không trụ lâu được”, chị Trinh khẳng định.

Môi giới này cho biết thêm, để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo, những người hoạt động môi giới theo kiểu “cò” thổi giá thì trách nhiệm quản lý, giám sát địa bàn của các địa phương đóng vai trò quyết định hơn.

Ở góc độ khách hàng, anh Công thừa nhận, vì đã có kinh nghiệm vài lần mua nhà đất nên anh không quan trọng môi giới độc lập hay của công ty. Môi giới tạo được niềm tin, đưa lại sản phẩm tốt và chăm sóc khách chu đáo là trên hết.

Tuy nhiên, với những người mua lần đầu chưa có kinh nghiệm hoặc lo sợ rủi ro thì nên tìm đến môi giới hoạt động trong các doanh nghiệp có uy tín để được đảm bảo hơn.

 

Theo Nguyễn Văn/ CafeLand