Evergrande đã đăng loạt bài viết trên các tài khoản mạng xã hội chính thức để tuyên bố rằng các dự án xây dựng đang dang dở sẽ được tái khởi động trong thời gian tới.
Từng là niềm tự hào quốc gia, được công nhận là doanh nghiệp bất động sản có giá trị bậc nhất toàn cầu. Thế nhưng trong những tháng gần đây, Evergrande đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng xuất phát từ nợ quá hạn. Tổng số nợ phải trả lên đến 300 tỷ USD (tương đương 2% GDP Trung Quốc) đã khiến Evergrande trở thành tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới.
Việc “bom nợ” này có nguy cơ phát nổ đã gây chấn động trên thị trường khu vực và quốc tế, đồng thời châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ trên các lĩnh vực quản lý tài sản và bất động sản mà một số nhà phân tích gọi là "thời điểm Lehman Brothers" của Trung Quốc.
Vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers Holdings Inc vào năm 2008 với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ khiến thị trường chao đảo, đẩy 80 chi nhánh trên toàn thế giới của ngân hàng này phải đóng cửa, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ nhất thế giới trong vòng một thế kỷ.
Quay lại với Evergrande, hầu hết 800 dự án phát triển của Evergrande trên khắp Trung Quốc đã gặp trở ngại đáng kể trong mùa hè vừa qua. Nhiều tài sản của công ty, bao gồm cả sân vận động bóng đá hình hoa sen trị giá 1,8 tỷ USD ở Quảng Châu mới chỉ xây dựng được một phần.
Hiện Evergrande đang cố gắng khôi phục niềm tin của người mua vào hoạt động kinh doanh của mình thông qua các bài đăng trên tài khoản WeChat.
Văn phòng Châu thổ sông Châu Giang của Evergrande mới đây đã có bài đăng cho biết hoạt động xây dựng tại 20 dự án phát triển trong khu vực đã được tái khởi động và cam kết rằng các tài sản sẽ được bàn giao cho khách hàng đúng thời hạn.
Trong tuyên bố ngày 28/9, văn phòng này cam kết sẽ hoàn thiện sứ mệnh của công ty và không làm khách hàng thất vọng.
Hồi tuần trước, văn phòng địa phương của công ty tại Quý Châu có bài đăng trên WeChat thông báo rằng 16 công trường xây dựng khác nhau trong tỉnh cũng đã trở lại làm việc vào ngày 26/9.
Ngoài ra, văn phòng Thâm Quyến của Evergrande đã đăng một bản cập nhật trên trên Wechat rằng công nhân đã trở lại làm việc trên 10 công trường của họ kể từ ngày 29/9.
"Bàn giao tài sản là cam kết của Evergrande đối với mọi khách hàng và là trách nhiệm mà chúng tôi phải thực hiện", văn phòng Thâm Quyến của công ty viết trong bài đăng của họ.
Trả lời phỏng vấn Insider, người phát ngôn của Evergrande cho biết công ty hiện đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy việc nối lại các dự án và các dự án đủ điều kiện ở các khu vực khác nhau đang dần tiếp tục công việc xây dựng.
Tuy nhiên, Insider không thể xác định tính xác thực của các tuyên bố. Ngoài ra, họ cũng không tìm kiếm được hình ảnh về hoạt động của các công trường xây dựng này ngoài những hình ảnh mà các văn phòng Evergrande cung cấp.
Loay hoay trả nợ
Theo cập nhật mới đây của Reuters, Evergrande đã không trả được khoản lãi trái phiếu 47,5 triệu USD cho nhà đầu tư nước ngoài vào ngày 29/9 như hạn định.
Trước đó, tập đoàn này cũng không trả được khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD tương tự vào ngày 23/9. Dù vậy, một số nhà đầu tư trong nước đã nhận được tiền từ Evergrande hôm 30/9.
Theo South China Morning Post, tính đến ngày 30/6, tổng sản phẩm bất động sản sẵn sàng được đưa ra thị trường của tập đoàn này có giá trị 144 tỉ nhân dân tệ (22,3 tỷ USD), thế nhưng, khoản nợ mà Evergrande phải trả vào cuối tháng 6/2022 lại lên đến 240 tỷ nhân dân tệ.
Điều này đồng nghĩa để có đủ tiền trả nợ, Evergrande có thể phải bán nhiều tài sản, như công ty xe điện, cổ phần trong CLB Bóng đá Guangzhou Evergrande (giàu nhất Trung Quốc), siêu du thuyền 60 triệu USD của nhà sáng lập Hứa Gia Ấn...
Evergrande hôm 29/9 cho biết sẽ bán cổ phần tại Ngân hàng Shengjing cho một công ty quản lý tài sản quốc doanh để trang trải nợ nần. Số cổ phần này có giá trị 10 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,5 tỷ USD.