Anh Khánh, 37 tuổi, quê ở Thanh Hoá vào Đà Nẵng lập nghiệp gần 15 năm. Trước đây anh làm nhân viên cho một siêu thị. Sau nhiều năm đi làm, vợ chồng anh dành dụm được 600 triệu đồng. Với tài chính này thì để sở hữu một mảnh đất hay căn nhà ở thành phố là không thể. Cuối cùng anh quyết định dùng số tiền để mua một chiếc xe ô tô để chạy xe công nghệ.
“Tôi mua xe được 3 năm thì mất 2 năm dịch bệnh, giờ thì giá xăng quá cao, chạy không có lãi. Hàng tháng tiền kiếm được chỉ đủ trả tiền nhà trọ, sinh hoạt, ăn uống học hành con cái nên không tiết kiệm được thêm đồng nào. Cách đây chừng 5-6 năm mỗi lô đất chỉ có ba bốn trăm triệu nhưng lúc đó mình không có tiền, cũng không biết đường vay mượn để mua, cứ nghĩ cứ tích cóp một thời gian rồi mua mảnh đất. Ai ngờ khi có đủ tiền thì giá đất tăng gấp chục lần, vượt quá khả năng tài chính nên không biết đến khi nào mua được nhà để an cư”, anh Khánh tâm sự.
Còn anh Hoàng Trung (38 tuổi) chuyển công tác từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Sau 2 năm đi ở thuê, anh muốn tìm một căn nhà ở gần trung tâm thành phố để vợ con đi làm, học hành thuận tiện.
Tuy nhiên, kiếm mấy tháng nay nhưng anh vẫn chưa mua được căn nhà phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
Anh Trung rất thất vọng vì giá nhà đất quá cao. Để mua được một căn nhà nhỏ như mong muốn thì tài chính phải từ 3 tỷ đồng trở lên.
Anh Trung tâm sự: “Không như Hà Nội, căn hộ thương mại giá bình dân ở Đà Nẵng rất khan hiếm. Thị trường chỉ toàn là căn hộ hạng sang, giá rất đắt đỏ. Với tài chính khoảng 2 tỷ đồng thì không có sự lựa chọn, chỉ có thể chọn nhà mặt đất nhưng đó là những căn nhà trong kiệt hẻm sâu, diện tích vài ba chục mét vuông”.
Được môi giới dẫn đi xem mấy căn nhà giá khoảng 2,1-2,5 tỷ đồng, anh Trung nói: “Nhà trong hẻm sâu, ngoằn nghèo, tôi đi xem mà đến lúc quay ra thì lạc đường, không nhớ nổi đường ra. Hơn nữa những căn nhà này đã quá cũ, xập xệ nếu ở được phải mất một khoản kha khá chi phí xây dựng, sửa sang”.
Ngõ nhỏ 2 xe máy khó tránh nhau nhưng mỗi m2 đất ở đây có giá khoảng 56 triệu đồng. |
“Chẳng hạn một căn nhà có diện tích chưa đầy 30m2 ở kiệt Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) nhưng được rao bán với giá 2 tỷ đồng không thương lượng. Hay như căn nhà trong kiệt Hoàng Diệu có ngõ 2 xe máy khó tránh nhau nhưng cũng rao bán 2,7 tỷ đồng. Những căn nhà cũ 30-40m2 trong hẻm giá rẻ nhất cũng phải từ 2,1 tỷ đồng. Còn ở một số quận xa trung tâm như Liên Chiểu, Cẩm Lệ, giá mỗi lô đất ở đây cũng trên dưới 4 tỷ đồng. Thế nên tôi đành tạm gác lại ý định mua nhà”, anh Trung nói thêm.
Theo khảo sát của PV, giá đất phân lô tại dự án Kim Long City (quận Liên Chiểu), đối diện UBND quận hiện ở mức từ 4,1 tỷ đồng/lô 100m2. Mức giá này đã tăng so với năm 2021 và quay về đỉnh năm 2019. Tương tự, giá đất phường Hoà Xuân (quận Cẩm Lệ) cũng dao động từ 3,9 tỷ đồng/lô 100m2.
Sau 2 năm giảm giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá đất tại khu vực này đã tăng 200-300 triệu đồng/lô. Nếu người mua để ở phải bỏ ra ít nhất từ 1-1,5 tỷ đồng để xây nhà.
Giá bất động sản Đà Nẵng thời điểm 2014-2019 tăng cả chục lần khiến người lao động khó khăn trong việc mua nhà để ở. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà phố vẫn tăng giá, không bị ảnh hưởng như các phân khúc khác.
Tại các quận như Thanh Khê, Hải Châu, mỗi m2 nhà trong kiệt, hẻm có giá từ 50 triệu đồng/m2. Những kiệt có ô tô vào được thì giá từ 70-90 triệu đồng/m2. Như tại các kiệt Bàu Hạc (quận Thanh Khê), nhà 55m2 giá 6,8 tỷ đồng…
Còn về thị trường căn hộ, theo DKRA VietNam dự báo nguồn cung mới về thị trường căn hộ Đà Nẵng năm 2022 có thể dao động ở mức 1.000 – 1.300 căn, tập trung ở quận Ngũ Hành Sơn và quận Hải Châu. Tỷ trọng căn hộ hạng A có thể sẽ tăng, trong khi tỷ trọng căn hộ hạng B không có nhiều đột biến so với năm 2021. Giá bán căn hộ hạng sang mức giá từ 100 triệu đồng/m2, tập trung chủ yếu ở quận Hải Châu. Một số căn hộ trên đường Bạch Đằng đang có giá bán dự kiến 180 triệu đồng/m2.
Infonet