Dự án của Sài Gòn Co.op bị Sở TN&MT thanh tra hơn 3 năm vẫn chưa ra kết luận

29/06/2023 07:00

Đây là một trong những dự án bị bế tắc thủ tục pháp lý do đang trong quá trình thanh kiểm tra, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có văn bản số 6824/SKHĐT-KTĐN gửi UBND TP.HCM về việc báo cáo tình hình xử lý dự án đầu tư có sử dụng đất để chuẩn bị cho cuộc họp Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Tại văn bản này, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự án Khu nhà ở - Thương mại và Dịch vụ của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op vướng mắc do đang trong quá trình được cấp thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra. 

Dự án này thuộc nội dung thanh tra việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu Đô thị phát triển An Phú (88,03ha), quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức) do Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm đang thực hiện và các dự án thành phần trong Khu đô thị phát triển An Phú (13 đơn vị thứ cấp tham gia đầu tư) theo quyết định số 519/QĐ-Sở Tài nguyên và Môi trường-TTr ngày 22/6/2020, của Sở Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành kết luận.

Dự án Khu nhà ở - Thương mại và Dịch vụ của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op cũng đang trong quá trình tổ chức lấy ý kiến các Sở ngành và đề nghị nhà đầu tư bổ sung hồ sơ. 

Với dự án này, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị phát triển An Phú (88,03ha) để Sở sớm có cơ sở thực hiện.

Phối cảnh dự án Saigon Co.op An Phú - Ảnh: Internet

Được biết, dự án Khu nhà ở - Thương mại và Dịch vụ của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op (SCID) có tên thương mại là Saigon Co.op An Phú. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra ngày 30/5, theo đại diện SCID, dự án ban đầu thuộc SGC là chủ đầu tư từ năm 2000. Sau đó, trong quá trình đầu tư để tối ưu hóa thì chuyển đổi dự án qua SCID làm chủ đầu tư từ năm 2010 và đến năm 2015 mới thực hiện xong đền bù giải tỏa.

Năm 2019, SCID được UBND TP.HCM cho phép làm chủ đầu tư dự án, trong 3 năm sẽ được giao đất và đóng tiền ký quỹ dự án tại Sở kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Tuy nhiên, đến năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài và một số thủ tục pháp lý có thay đổi nên SCID đang thực hiện các thủ tục về gia hạn chủ đầu tư dự án.

Hiện tại, Công ty đã nộp hồ sơ xin điều chỉnh quyết định đầu tư và xin giao đất để tiếp tục triển khai dự án. Bên cạnh đó, Công ty đang bàn bạc với đối tác cũ để ngưng hợp tác trong dự án này vì đang hoàn thiện tính pháp lý với tư cách là chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, vì đang tập trung giải quyết các vấn đề liên quan pháp lý dự án nên công ty chưa tiếp cận với các đối tác nào khác.

Saigon Co.op An Phú là dự án trọng điểm của Saigon Co.op. Dự kiến trong tương lai, đây cũng là trụ sở chính của Sài Gòn Co.op.

Theo giới thiệu, Saigon Co.op An Phú có quy mô 6,9 ha, toạ lạc tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM (nay là thành phố Thủ Đức, TP. HCM). Tổng mức đầu tư dự án là gần 450 triệu USD (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng). Dự án bao gồm khu trung tâm thương mại, khối căn hộ cao cấp và các khối cao ốc văn phòng, khách sạn.

Doanh nghiệp bức xúc với sự trì trệ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

Phát biểu tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND TP.HCM với doanh nghiệp bất động sản vào sáng 22/2/2020, ông Nguyễn Văn Đực - Chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh cho biết, công tác giải quyết công việc của các cơ quan ban ngành còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Những thủ tục hành chính rườm rà, nhiều bước, nhiều khâu, nhiều cơ quan phê duyệt khiến cho các hồ sơ cứ bị chuyển đi lòng, mất nhiều năm trong khi doanh nghiệp thì phải "đứng im chịu trận”. Ông Đực lấy ví dụ, Công ty Địa ốc Xanh có một dự án nhỏ chỉ khoảng 3.700m2. Trước đây, ông Đực đóng tiền sử dụng đất là 2050m2 nhưng phần đã đóng chỉ là phần “lòng đỏ” chứ chưa được đóng hết cho cả dự án. Sau này Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị công ty ông Đực phải đóng luôn phần “lòng trắng”. Nhưng thực tế là việc đóng luôn lòng trắng này không hề dễ dàng.

Từ ngày có hồ sơ thụ lý tại chi cục thuế quận 8, sau đó chuyển đến Cục thuế TP.HCM rồi gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường đã 24 tháng trôi qua nhưng Công ty của ông Đực vẫn chỉ được đóng phần “lòng trắng”, còn phần lộ giới trước đây từ 40m2 nay giảm còn 30m2, nghĩa là phần diện tích sử dụng của doanh nghiệp được tăng lên 125m2 nhưng hồ sơ xin nộp tiền của công ty bị chuyển đi lòng vòng khiến mọi hoạt động của dự án đều không thể triển khai.

“Đáng lý ra nên gom lại phần lòng trắng và phần vỏ (phần dịch tích chưa đóng và phần lộ giới giảm) để doanh nghiệp đóng tiền một lần nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường nhất quyết không gom mà bắt chia làm 2 lần đóng. Bây giờ "lòng trắng" đã đóng xong rồi, còn vỏ lại phải xách hồ sơ đi.

Sau khi chuyển qua Sở Xây dựng, Sở tuy rất hăng hái nhưng cũng nói không đóng được vì đây chưa phải là đất sạch. Hồ sơ chuyển tiếp qua Sở Kế hoạch - Đầu tư và giờ nằm đó để chờ được chấp nhận chủ trương đầu tư. Sau khi được chấp nhận chủ trương đầu tư rồi lại phải chờ chuyển lại Sở Tài nguyên và Môi trường, rồi Sở mới trình cho qua UBND TP. Khi đó, tôi mới được sử dụng phần diện tích 125m2 đã đóng”, ông Đực trình bày.

Đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh cũng cho rằng đây không phải là vấn đề quá khó để hồ sơ bị ngâm quá lâu như vậy. Thực tế có hàng trăm dự án giảm lộ giới đều đã gặp phải tình cảnh tương tự. Đây chỉ là chuyện đóng thêm cho phần vỏ của một dự án nhỏ nhưng quá trình chuyển đi chuyển lại giữa UBND TP và Sở Tài nguyên và Môi trường thì mất đến 2 năm. Ông Đực cho biết đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu lên UBND TP, 4 lần chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng quá trình giải quyết vẫn rất chậm chạp.

Theo Diệu Phan/Reatimes

https://reatimes.vn/so-tai-nguyen-va-moi-truong-thanh-tra-du-an-sai-gon-coop-20201224000020400.html