Phương Trang đề xuất đầu tư đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh
Thông tin trên được nêu ra tại buổi làm việc của UBND tỉnh Đồng Tháp với CTCP đầu tư hạ tầng Phương Trang, diễn ra chiều ngày 16-12. Dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có tổng chiều dài khoảng 27,43 km, trong đó qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81 km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km.
Ông Lưu Xuân Thủy, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng Phương Trang cho biết công ty đã nghiên cứu phương án giảm vốn ngân sách Nhà nước khi thực hiện dự án theo hình thức PPP và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nếu được UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận về chủ trương, công ty sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
CTCP đầu tư hạ tầng Phương Trang cũng đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho đơn vị nghiên cứu phương án kết nối tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh với Tỉnh lộ 856 và nghiên cứu đầu tư bổ sung hệ thống đường gom dọc tuyến nhằm phát huy tối đa sự kết nối để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương; nghiên cứu phát triển các bến xe khách, xe tải loại 1 tại đường tránh Cao Lãnh và khu công nghiệp, đô thị, trung tâm logistics kết nối với tuyến cao tốc.
Ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các kiến nghị của công ty và cho biết, dự án đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh sau khi được Trung ương phê duyệt sẽ được đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định.
Về dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã thông qua Nghị quyết thống nhất thực hiện dự án với phương án dự kiến đầu tư của Bộ Giao thông vận tải.
Tổng vốn đầu tư dự kiến của giai đoạn 1 với quy mô mặt cắt ngang 17 m (bao gồm lãi vay) khoảng 6.477 tỷ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), thuộc địa phận xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 2km), thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh khi hoàn thiện sẽ kết nối các tuyến quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam phía Đông (cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường N2 – Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi), là tuyến huyết mạch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Hệ sinh thái Phương Trang của ông Nguyễn Hữu Luận khủng cỡ nào?
Ngoài là "ông lớn" hàng đầu trong lĩnh vực vận chuyển hành khách ở phía Nam, Phương Trang của ông Nguyễn Hữu Luận còn hoạt động đầu tư trong nhiều lĩnh vực như: bất động sản, công nghệ, truyền thông, thực phẩm và nước giải khát.
Về CTCP Đầu tư Phương Trang (tên viết tắt Futa Corp) được thành lập vào ngày 12/2/2003, đăng ký vốn điều lệ 770 tỷ đồng. Trong đó ông Nguyễn Hữu Luận nắm giữ 98,66% vốn điều lệ. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Như Mai.
Về mảng vận tải, tuy là lĩnh vực hoạt động chính từ ngày khởi nghiệp (cuối năm 2002) nhưng phải đến tháng 4/2013, CTCP Xe khách Phương Trang Futa Bus Lines (Futa Bus Lines) mới được thành lập để tách riêng là mảng kinh doanh cốt lõi, vận tải hành khách.
Tại ngày 3/11/2015, số vốn Futa Bus Lines ở mức 200 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm CTCP Taxi Phương Trang nắm giữ 40%, Nguyễn Hữu Luận (52,67%), Phạm Đăng Quan (5,83%) và Nguyễn Thị Ngọc Trinh (1,5%).
Ra đời từ một doanh nghiệp nhỏ với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại. Hiện nay, hãng xe đang khai thác hơn 60 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định trải dài từ Nam ra Bắc với hơn 250 phòng vé và trạm trung chuyển, hơn 2.000 đầu xe các loại và phục vụ hơn 20 triệu lượt khách mỗi năm.
Về kết quả kinh doanh, trong những năm gần đây, Futa Bus Lines luôn ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và báo lãi. Gần nhất, năm 2019, doanh thu thuần của Futa Bus Lines đạt 2.156,9 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Futa Bus Lines đạt 2.488,56 tỷ đồng.
Cùng trong mảng vận tải, tập đoàn Phương Trang còn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chuyển phát nhanh với thương hiệu Futa Express, được điều hành và quản lý bởi CTCP Dịch vụ Chuyển phát nhanh Phương Trang Futa.
Đồng thời, Futa Express chính là công ty mẹ của CTCP Thương mại điện tử Vận Thông – đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Vato – với tỷ lệ sở hữu đến 90% vốn.
Năm 2019, doanh thu thuần của Futa Express đạt 244 tỷ đồng, lãi thuần hơn 7 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với năm 2018.
Đối với mảng bất động sản, CTCP Bất động sản Phương Trang (FutaLand) được thành lập vào tháng 8/2010.
Lúc mới thành lập, ông Đặng Đình Tuấn, Tổng Giám đốc FutaLand không ngần ngại cho biết chiến lược đầu tư của FutaLand là tập trung vào các phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, nhà phố, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp.
Tại thời điểm mới vừa ra mắt FutaLand đã phối hợp cùng với công ty Địa ốc Hưng Hưng Thịnh và Công ty CP Thế giới Căn hộ để cho ra mắt sàn giao dịch BĐS Phương Trang - Hưng Hưng Thịnh - Thế Giới Căn Hộ tọa lạc tại 76-82 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM.
Kể từ khi thành lập tới nay thì công ty đã đầu tư hàng chục các dự án tại TP.HCM, Đà Nẵng cũng như các tỉnh, thành khác trên toàn quốc.
Tại TP.HCM, FutaLand đầu tư vào hàng loạt bất động sản cao cấp như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) có giá bán thời điểm đó lên đến 90 triệu đồng/m2. Sau đó là hàng loạt các dự án như The Landmark City (quận 1), dự án Quang Thuận (quận Thủ Đức), Golden Gate (quận 7).
Tại Đà Nẵng, công ty cũng sở hữu khối bất động sản khá lớn, gồm dự án Han Riverview (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove (120 ha), dự án An Cư 11 và dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng (147ha).
Song song đó, doanh nghiệp này còn đầu tư các dự án trạm dừng chân quy mô lớn tại tỉnh Tiền Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Cà Mau. Trong đó, nổi bật hơn cả là dự án Trạm dừng chân Phương Trang - Madagui tại Lâm Đồng có vốn đầu tư gần 4 triệu USD.
Dù nổi danh trên thị trường với nhiều dự án bất động sản, kết quả kinh doanh của FutaLand lại không mấy khả quan. Ba năm trở lại đây, Futa Land chỉ mang về doanh thu vài chục triệu đồng mỗi năm, cùng đó là khoản lỗ lên đến vài tỷ đồng. Gần nhất, năm 2019, Futa Land chỉ đạt 31,8 triệu đồng doanh thu đồng thời lỗ ròng 5 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty này đạt 575,8 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chiếm chưa tới 20%, ở mức 91,5 tỷ đồng, theo Báo Công Luận.
Vào tháng 5/2020, hệ sinh thái này xuất hiện thêm CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang – Futa Group (Futa Group). Đây là công ty đăng ký hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ ở mức 500 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Futa Bus Line (40%), Futa Corp (49%) và Phạm Đăng Quan (11%).
Về lĩnh vực truyền thông, Phương Trang thành lập Công ty Cổ phần Quảng Cáo Futa Việt Nam – Futa Ads. Đây là đơn vị thác quảng cáo độc quyền trên toàn bộ hệ sinh thái của tập đoàn Phương Trang, bao gồm: Futa Bus, Futa Taxi, Futa Express, các điểm bán vé, nhà chờ và trạm dừng chân.
Ngoài ra, Futa Corp còn hoạt động trong cả lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát với CTCP Thực phẩm và nước giải khát PTT. PTT được thành lập vào tháng 4/2018 với vốn điều lệ lên đến 1.000 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Futa Corp nắm giữ 60%, Lê Trung Thành 30% và Phan Văn Nguyên 10%.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, Futa Corp kiên trì định hướng mô hình phát triển thành tập đoàn đa ngành và không ngừng mở rộng hệ sinh thái. Tuy nhiên, chính vì cách đầu tư dàn trải nên hiệu quả kinh doanh của Futa Corp không cao.
Giai đoạn 2017-2019, Futa Corp (công ty mẹ) chỉ báo lãi một lần duy nhất vào năm 2019, các năm trước đó đều báo lỗ lớn, riêng 2017 lỗ thuần hơn 109 tỷ đồng, theo dữ liệu từ Tạp chí Nhadautu.vn
Đơn vị đóng góp doanh thu chủ yếu cho cả hệ sinh thái của Futa Corp chính là Futa Bus Lines, riêng năm 2019 doanh thu thuần của Futa BusLines là hơn 2.156 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Futa Corp đạt 15.549 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả cũng đã ở mức 15.152 tỷ đồng.
Về phần cá nhân, ông Nguyễn Hữu Luận còn là đại diện tại một loạt doanh nghiệp khác như: CTCP Thương mại và Xây dựng Thành Hiếu, Công ty TNHH Nam Ôtô, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Mỹ, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Trường Vĩ Nhà Bè và CTCP Bất động sản Phương Trang Long An.
Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh Covid-19, Phương Trang đã tổ chức hàng nghìn chuyến xe miễn phí đưa đón người dân về quê tránh dịch tại các tỉnh thành miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, hàng trăm xe khách các loại của Futa Express và Futa Bus Lines vẫn duy trì trên mọi tuyến đường để phục vụ đội ngũ y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu tới tâm dịch làm nhiệm vụ, chở F0 đi cấp cứu...