Theo Bloomberg, China Evergrande đã đồng ý bán 20% cổ phần tại ngân hàng địa phương Shengjing Bank Co. cho chính quyền Thẩm Dương với giá 10 tỷ NDT (1,55 tỷ USD). Ngân hàng yêu cầu tất cả số tiền sẽ được sử dụng để giải quyết các khoản nợ với nhà băng này.
Điều này sẽ ngăn chặn khủng hoảng lây lan và mang lại lợi ích của các nhà đầu tư của Shengjing Bank Co., bao gồm một số người bạn của tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande.
Hôm 29/9, giá cổ phiếu của Shengjing Bank trên sàn Hong Kong tăng 1,4%. Tuy nhiên, thương vụ này có thể sẽ không làm giảm khoản nợ khổng lồ của China Evergrande đối với các trái chủ, khách mua nhà và nhà thầu.
Hôm 23/9, China Evergrande không thể trả 84 triệu USD lãi trái phiếu coupon cho các trái chủ. Ảnh: New York Times. |
Nhóm bạn tỷ phú
Ông Cheung Chung Kiu - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch C C Land Holdings Ltd. (Hong Kong) - cũng trong nhóm bạn yêu thích chơi poker của ông Hứa.
Ông Cheung khởi nghiệp bằng việc mua bán đồ điện tử và một số mặt hàng khác ở Hong Kong, rồi bán lại cho người tiêu dùng Trung Quốc đại lục. Sau đó, ông chuyển hẳn sang lĩnh vực bất động sản.
Tập đoàn C C Land của ông Cheung có các bất động sản trị giá hàng tỷ USD ở Anh, bao gồm tòa nhà chọc trời Cheesegrater tại trung tâm tài chính London.
Theo tiết lộ mới nhất của Shengjing Bank Co., tính đến ngày 30/6, ông Cheung vẫn là cổ đông thiểu sổ (cả trực tiếp và gián tiếp) của tập đoàn.
Ông Henry Cheng - Chủ tịch của New World Development - là người giàu nhất trong số nhóm bạn poker của ông Hứa. Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, ông nắm giữ khối tài sản trị giá 23,5 tỷ USD.
Một số nhà đầu tư lớn của China Evergrande NEV - đơn vị xe điện của China Evergrande - đến từ nhóm bạn chung sở thích chơi poker của ông Hứa. Ảnh: Reuters. |
Gia đình ông Cheng đã đầu tư vào các dự án của China Evergrande và mua cổ phiếu của tập đoàn, bao gồm đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của đơn vị xe điện và dịch vụ bất động sản trực tuyến của China Evergrande.
Theo báo cáo, gia đình của ông Cheng cũng là cổ đông thiểu số tại Shengjing Bank.
Ông Paul Suen nắm giữ cổ phần tại hàng chục công ty nhỏ. Ông thường mua những cổ phiếu giá rẻ trên các sàn Hong Kong.
Ông Paul Sean cũng nắm giữ cổ phần thiểu số tại Shengjing Bank, thông qua cả nắm giữ trực tiếp và gián tiếp. Theo một tiết lộ vào năm 2019, ông cũng có cổ phần tại công ty xe điện của China Evergrande và đầu tư vào trái phiếu của tập đoàn.
Gia đình của bà Karen Lo từng "thống trị" thị trường sữa đậu nành tại Hong Kong. Họ sở hữu nhiều bất động sản đắt đỏ với các biệt thự từ Holmby Hills, Malibu đến California.
Bà Lo nắm giữ cổ phần ở hàng chục công ty. Bà cũng là cổ đông lớn nhất tại công ty thời trang Esprit Holdings (niêm yết tại Hong Kong).
Bà cũng nắm giữ cổ phần tại Shengjing Bank và đơn vị xe điện của China Evergrande.
Nhà đầu tư hưởng lợi
Bà Chan Hoi-wan, Giám đốc điều hành China Estates Holdings Ltd., vợ tỷ phú Hong Kong Joseph Lau - bỏ 3 tỷ HKD vào startup xe điện của tỷ phú Hứa Gia Ấn.
Theo một hồ sơ được Bloomberg ghi nhận, 3 nhà đầu tư chiến lược của startup xe điện cũng là những nhà đầu tư nền tảng của đơn vị dịch vụ bất động sản thuộc China Evergrande.
Một trong số đó là bà Chan. Vợ của tỷ phú Joseph Lau là nhà đầu tư lớn nhất trong vòng gọi vốn trước niêm yết với 5% cổ phần.
Cùng với ông Henry Cheng của New World Development Co. và ông Cheung Chung Kiu tại C C Land., ông Lau của Chinese Estates cũng ở trong nhóm bạn chung sở thích chơi poker với ông Hứa.
Năm 2017, ông Lau đã bán cổ phần của mình tại Shengjing Bank cho công ty của bà Chan.
Khoản tiền phải trả của China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - đã lên đến 305 tỷ USD. Các khách mua nhà, trái chủ, nhà đầu tư, nhà thầu và ngân hàng làm ăn với China Evergrande đều lao đao.
Việc mua lại cổ phần của China Evergrande tại Shengjing Bank không giúp ích nhiều cho các nhà thầu, khách mua hàng và nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ảnh: Reuters. |
Gần 800 dự án của tập đoàn vẫn chưa được hoàn thành, rải rác trên khắp 200 thành phố của Trung Quốc. Các khách mua nhà, nhân viên và nhà thầu kéo đến văn phòng của tập đoàn để đòi lại tiền. Giới quan sát lo ngại họ sẽ vô tình trở thành nạn nhân của chiến dịch cắt giảm nợ của chính quyền Bắc Kinh.
Các nhà thầu, khách mua hàng và nhà đầu tư nhỏ lẻ khác là thách thức lớn nhất của chính quyền Bắc Kinh. Trung Quốc có thể tiếp tục theo đuổi chiến dịch hạ đòn bẩy và để China Evergrande sụp đổ. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc gia tài của hàng triệu người bốc hơi theo đế chế của ông Hứa.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, với việc mua lại cổ phần của China Evergrande tại Shengjing Bank, chính quyền Trung Quốc có thể đã không giúp được gì cho các nhà thầu, khách mua hàng và nhà đầu tư đang khốn khổ.
Bởi tiền chỉ đổ vào các nhà đầu tư của Shengjing Bank. Nhiều trong số đó cũng nằm trong nhóm bạn của ông Hứa.