Những ngày gần đây, giới đầu tư bất động sản xôn sao thông tin dự án Kenton Node, huyện Nhà Bè, TP HCM “đắp chiếu” hơn một thấp kỷ sắp được “hồi sinh”.
Đáng chú ý, hiện tại toàn bộ hàng rào tôn bao quanh dự án Kenton Node đang được thay mới, những biển hiệu quảng bá về dự án này đã được thay thế, gắn liền với thương hiệu của Tập đoàn Novaland. Điều này cho thấy sự xuất hiện “quan trọng” của Novaland tại dự án này.
Mặc dù hiện tại Novaland chưa có bất kì thông báo chính thức nào về thương vụ này, song lãnh đạo doanh nghiệp đã tiết lộ với truyền thông việc doanh nghiệp sẽ tiếp nhận Kenton Note để làm mới dự án. Giá trị thương vụ không được lãnh đạo Novaland đề cập, nhưng khẳng định các sản phẩm thuộc dự án này sắp tung ra sẽ rơi vào vùng giá của căn hộ hạng sang. Dự kiến sau chuyển nhượng, dự án sẽ đổi tên thành Grand Sentosa và chính thức công bố ra thị trường vào cuối quý I năm nay.
Dự án Kenton Node trước đây có tên là Kenton Residence, từng được mệnh danh “thiên đường nhiệt đới” tại khu Nam Sài Gòn, nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP.HCM, do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư, khởi công năm 2009. Dự án có tổng diện tích 9,1ha, với 3 phân khu Plaza, Sky Villa và Residences với 9 block với 1.640 căn hộ. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào thời điểm đó là 300 triệu USD, được dự kiến hoàn thành vào năm 2011.
Đầu năm 2010, dự án mở bán 100 căn hộ giai đoạn một, giá 1.566-2.250 USD mỗi m2, có 64 khách hàng giao dịch thành công, được định vị là phân khúc cao cấp nhất khu Nam thời điểm này. Tuy nhiên, đến giữa năm 2010, trùng với thời gian chào bán giai đoạn hai, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng khiến dự án bị ngưng trệ.
Năm 2013, thị trường bất động sản khởi sắc và hồi phục trở lại, những dự án cùng chung số phận như Kenton tại khu vực Nam Sài Gòn trước đây đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động trong khi đó dự án Kenton vẫn nằm bất động. Thời gian này, chủ đầu tư trả lại toàn bộ tiền mua nhà cho gần 100 khách hàng và tìm hướng đi mới cho dự án.
Đến năm 2017, dự án Kenton Residences lại khởi động và chính thức “hồi sinh” với tên gọi mới Kenton Node. Với sự hậu thuẫn từ BIDV và MSB, dự án Kenton Node có thêm 1.060 tỷ đồng để tiếp tục triển khai.
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, Kenton Node có diện tích hơn 11 ha, là tổ hợp gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ ăn uống giải trí, nhà hát biểu diễn và trường học, phòng khám quốc tế. Trong đó, khách sạn theo tiêu chuẩn 5 sao với 288 phòng; khu condotel có 586 căn; khu căn hộ có 1.683 căn.
Tuy nhiên, vào giữa năm 2018, dự án lại một lần nữa đình trệ dù phần lớn các block nhà đã được xây thô và hoàn thiện bên ngoài từng phần.
Được biết, trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp BĐS lớn cũng muốn tham gia đầu tư và phát triển lại dự án, nhưng chỉ sau một thời gian khá ngắn tất cả đều "rút lui".
Đến tháng 4/2020, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từng thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên liên quan đến dự án này. Tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (nợ gốc, lãi tạm tính đến ngày 29/3/2020 là hơn 4.063 tỷ đồng).
Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node. Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản.
Tại thời điểm này, giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn là các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, Hà Nội - được định giá lần đầu là 885,5 tỷ đồng.
Về Công ty Tài Nguyên, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 29/03/1996, do ông Vũ Anh Tâm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện theo pháp luật. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực thi công cơ sở hạ tầng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng.
Từ năm 2001, Công ty Tài Nguyên tái cấu trúc mô hình sản xuất, kinh doanh và tập trung nguồn tài lực chính vào đầu tư và kinh doanh bất động sản. Hiện tại, công ty tập trung chủ yếu vào đầu tư và xây dựng khu phức hợp căn hộ và văn phòng cho thuê.
Các dự án điển hình của Công ty Tài Nguyên bao gồm Cao ốc văn phòng Vinatex – Tài Nguyên, Dự án Kenton Node, Dự án Evergreen, công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Thành phố Global – Hà Tây.
Doanh nghiệp từng nhiều lần gây chú ý với các vụ bị ngân hàng “siết nợ” các dự án “đình đám”. Điển hình là dự án Kenton Node nêu trên, hay dự án Evergreen với quy mô đầu tư 1.800 tỷ đồng.
Cụ thể, cuối tháng 6/2021, ngân hàng MSB đã có thông báo xử lý tài sản thế chấp của Công ty Tài Nguyên. Ngân hàng cho biết sẽ thu giữ tổng cộng 202 căn biệt thự là tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay thuộc dự án PMR Evergreen tại Phường Phú Mỹ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư gồm: 28 căn City Villa và 94 căn Sky Villa giai đoạn 1; 38 căn City Villa và 42 căn Garden Villa giai đoạn 2.