Thái Nguyên: Không “nhường” đất trồng chè cho dự án

24/02/2022 10:29

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vừa yêu cầu các địa phương trong tỉnh không chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sản phẩm chủ lực của địa phương.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
thai nguyen khong nhuong dat trong che cho du an
Sản xuất chè đã góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có trên 22.300ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn nhất cả nước với năng suất chè búp tươi đạt trên 118 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hơn 240.000 tấn/năm.

Từ nhiều năm nay, cây chè trở thành cây kinh tế chủ lực, đem lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha bình quân khoảng 300-500 triệu đồng; tại các vùng chè đặc sản có thể đạt từ 500-800 triệu đồng/ha. Các sản phẩm chè Thái Nguyên đã được khẳng định trên thị trường trong nước, có triển vọng mở rộng ra thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, sản xuất chè đã góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững và là phần thu nhập chủ yếu, quan trọng của trên 91.000 hộ làm chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè trung du, già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế và thực hiện tốt mục tiêu phát triển cây chè là sản phẩm chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, ngày 21/2/2022 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thị xã: Rà soát lại quy hoạch, không quy hoạch các dự án khác vào các khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè của địa phương, trừ dự án trọng điểm của tỉnh và dự án quan trọng cấp quốc gia. Không chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, các huyện: Phú Lương, Đồng Hỷ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè hoặc để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trái phép trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.

Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về việc để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trái phép trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.

Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè của toàn tỉnh đạt 24.000ha; trong đó, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, 80% trở lên diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới chủ động, tiết kiệm nước.

Cùng với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm chè xanh truyền thống, Thái Nguyên tập trung đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến đa dạng hóa các sản phẩm chè và các sản phẩm có nguồn gốc từ chè như các loại đồ uống, bánh, kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời gắn phát triển các vùng chè truyền thống với văn hóa, du lịch trải nghiệm, thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho phát triển chè bền vững.

Theo Nguyễn Thành/Báo Xây Dựng