Dự án tại khu đất mặt tiền ngay ngã từ đường Trần Bình - Nguyễn Hoàng đang được rao bán với giá 340 tỉ đồng. Ảnh: Cao Nguyên |
Bất thường dự án trăm tỉ, rao bán như rau
Từ một người bạn giới thiệu, PV Báo Lao Động có được số của Dương Ph - thường được nhắc đến như một bà “trùm” trong giới mua bán các dự án bất động sản. Vào vai một nhà đầu tư để hỏi về các dự án mà Ph đang rao bán, chuyển nhượng. Không ngần ngại, Ph đã chia sẻ rất cụ thể về rất nhiều dự án nào trong list danh sách bà “trùm” này đang có.
Theo lời Ph, hiện nay trên địa bàn Hà Nội để có một dự án đầy đủ pháp lý là rất hiếm. Phần lớn các dự án đều mới có pháp lý cơ bản như giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt tổng mặt bằng và phương án kỹ thuật, sổ đỏ, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư… “Nếu mua lại mà pháp lý đầy đủ thì giá cao hơn, nếu chưa đủ mình về tiếp tục hoàn thiện rồi triển khai” - Ph chia sẻ.
Với ngỏ ý muốn đầu tư vào một dự án trên địa bàn quận Nam Từ Liêm hoặc Cầu Giấy, bà “trùm” này đã giới thiệu ngay một dự án đã giải phóng mặt bằng, nằm mặt tiền góc ngã tư đường Trần Bình - Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm). Ph nói, dự án xây chung cư với diện tích gần 2.300m2. Hiện nay, pháp lý của dự án này cơ bản, giờ chỉ xin giấy phép xây dựng nữa là có thể triển khai được. Giá đang rao chuyển nhượng lên tới 340 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Ph đã đưa ra lời khuyên với tôi nếu chưa quen và đủ năng lực thì không nên lao vào những loại dự án này. “Giá đó cũng tương đối cao, người mua làm hạ tầng phải tốt mới lãi chứ không thì khó” - Ph nhấn mạnh.
Không chỉ riêng dự án này, trên danh sách Ph đang rao chuyển nhượng còn có rất nhiều dự án khác. Theo tìm hiểu, lô đất 8.700m2 tại ngõ 64 Sài Đồng, quận Long Biên, được Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hà Nội phê duyệt làm dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp và nhà ở. Dự án được duyệt từ cuối năm 2019, quy mô: 2 toà 18 tầng và 25 tầng, diện tích xây dựng 3.200m2, quy mô dân số 1.530 tầng do Công ty TNHH Đầu tư và tư vấn Kiến trúc Đông Dương làm chủ đầu tư. Nhưng theo ghi nhận của PV, dự án này hiện nay vẫn đang là khu nhà xưởng lợp tôn lụp xụp song đang được chào bán trôi nổi với giá 10 triệu đồng/m2 dưới hình thức chuyển nhượng dự án.
Hay như dự án Văn phòng làm việc kết hợp Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin tại số 65 Phạm Thận Duật, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy với diện tích gần 3.000m2. Theo tìm hiểu, dự án này do Công ty TNHH phát triển phần mềm và Đào tạo (EDT) làm chủ đầu tư. Dự án được chấp thuận chủ chương đầu tư từ năm 2009. Năm 2014 dự án được UBND TP.Hà Nội có Quyết định số 6830/QĐ-UBND giao đất cho chủ đầu tư tuy nhiên cho đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai. Không những vậy, dự án hiện đang sử dụng đất sai mục đích.
Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, dự án Văn phòng làm việc kết hợp Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin nằm ngay sát Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia tại số 65 Phạm Thận Duật. Xung quanh dự án được quây tôn kín mít. Bên trong đất dự án có một số nhà khung lợp mái tôn làm nhà chỗ đỗ xe ôtô.
Trong khi dự án đang nằm im thì các môi giới đang rao bán với giá 170 tỉ đồng.
Tương tự, Dự án Khu nhà ở thương mại thấp tầng tại phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, diện tích 4.990m2, diện tích xây dựng 1.595m2 với 22 căn liền kề đang được chào bán với giá 95 tỉ đồng dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần công ty. Trong vai người tìm mua nhà, PV được một nhân viên môi giới cho biết, dự án này đã có văn bản xác nhận của chủ đầu tư là đã xong việc nhận chuyển nhượng đất làm dự án với các hộ dân. Khâu giải phóng mặt bằng đã gần hoàn thiện. Giá bán 95 tỉ đồng chưa bao gồm thuế sử dụng đất.
Chiêu trò thâu tóm đất giá bèo?
Ngoài ra còn hàng loạt các dự án khủng khác đang được chào bán như: Dự án toà nhà hỗn hợp thương mại, văn phòng, nhà ở tại Quốc Oai chào bán dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần với giá 460 tỉ đồng; Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và siêu thị tại Gia Thụy, quận Long Biên; Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm chào bán 70 tỉ đồng, Dự án Tổ hợp đa năng 63 Nguyễn Huy Tưởng chào bán 1.200 tỉ đồng...
Một điều đáng nói, đặc điểm chung của những dự án này là đã được xây rào hoặc quây tôn nhưng không lắp biển dự án, công trình xây dựng.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm - cho rằng, lập dự án, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một trong những "chiêu trò" nhằm thâu tóm đất với giá bèo. Sau khi dự án được duyệt, chủ đầu tư sẽ chuyển nhượng, kiếm lời dưới hình thức bán công ty, bán cổ phần bao gồm cả quyền sở hữu dự án. Vị luật sư này cảnh báo những dự án rao bán trôi nổi đều có vấn đề về pháp lý. Nếu mua vào rất nhiều rủi ro.
Trong khi đó theo UBND TP. Hà Nội, trên địa bàn tồn tại 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trước tình trạng nhiều lô đất bỏ hoang, chưa đưa vào sử dụng, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký văn bản thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng.
UBND TP.Hà Nội giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các sở: KHĐT, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Tư pháp, Cục Thuế Hà Nội, Thanh tra TP.Hà Nội và UBND các quận, huyện có liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất của các đơn vị, tổ chức chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, đã được UBND TP.Hà Nội gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai, nhưng hết thời gian được gia hạn mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng đất.
Đoàn kiểm tra căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để lập hồ sơ thu hồi đất đã giao, đã cho thuê, báo cáo UBND TP.Hà Nội xem xét, quyết định (trừ trường hợp do bất khả kháng theo quy định tại Nghị định số 43 năm 2014 của Chính phủ).