Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ thêm thông tin về thị trường bất động sản trong thời gian qua.
Theo đó, ông đánh giá trong năm 2021 và đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch bất động sản cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết phân khúc cao và không tồn đọng bất động sản mới.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng chỉ ra thực trạng thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và có những dấu hiệu chưa ổn định, lành mạnh.
Cụ thể, ông cho biết hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn bất cập, cần sửa đổi để thống nhất như: Lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá, quy định các loại hình bất động sản mới...
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở liên tục tăng, cao hơn so với thu nhập người dân. Đáng chú ý, các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định, có hiện tượng câu kết với nhau "găm hàng", "thổi giá", gây sốt ảo làm nhiễu loạn thị trường.
"Ngoài ra, nguồn thu bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn khiến nguồn cung sụt giảm ở các phân khúc, số lượng các dự án được chấp thuận mới, khởi công xây dựng và hoàn thành còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu", ông Nghị nói.
Bộ trưởng lấy dẫn chứng, đối với nguồn cung nhà thương mại, trong năm 2021, tổng số dự án nhà ở thương mại hoàn thành 172 dự án, bằng khoảng 60% dự án so với năm 2020. Trong quý I năm nay, số dự án hoàn thành là 22 dự án, bằng 47% quý IV năm 2021.
Giá nhà tăng cao khiến người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng chưa phù hợp, chủ yếu là bất động sản nhà ở phân khúc cao cấp, du lịch còn thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động thu nhập trung bình...", ông phân tích.
Hơn nữa, một số địa phương còn có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra, xử lý...
Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này còn chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Vẫn còn phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn và huy động vốn...
Từ những bất cập trên, Bộ trưởng cho biết Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh. Trong đó, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định. Thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.
Tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả. "Ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường", ông nói.
Ngoài ra, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, nhất là trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp...