Đồng Nai “mạnh tay” với việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp

21/12/2021 10:09

Từ năm 2016 đến nay, huyện Long Thành (Đồng Nai) là nơi phát hiện nhiều vi phạm về đất nông nghiệp nhất tỉnh với 176 trường hợp. Trong đó, 99 trường hợp xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp và 77 trường hợp làm đường giao thông trên đất nông nghiệp (có dấu hiệu phân lô).

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
Đồng Nai “mạnh tay” với việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp

 

Theo tỉnh này, dù các địa phương trong tỉnh đã quan tâm hơn đến công tác quản lý đất đai, nhưng tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất công vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải tìm giải pháp hạn chế tình trạng trên.

Theo Sở TN-MT, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 1,1 ngàn trường hợp vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng. Trong đó, phân lô, bán nền 94 trường hợp, chủ yếu ở H.Long Thành. Sử dụng đất không đúng mục đích 388 trường hợp, tập trung ở các huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc. Lấn chiếm đất công chủ yếu ở các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Tân Phú.

Từ năm 2016 đến nay, riêng huyện Long Thành là nơi phát hiện nhiều vi phạm về đất nông nghiệp nhất tỉnh với 176 trường hợp. Trong đó, 99 trường hợp xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp và 77 trường hợp làm đường giao thông trên đất nông nghiệp (có dấu hiệu phân lô).

Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, chính quyền địa phương xử lý vi phạm về đất đai chưa kiên quyết, triệt để, thời gian cưỡng chế kéo dài. Đơn cử như huyện Long Thành có những trường hợp vi phạm về đất đai, sau 2 năm chưa giải quyết xong. Ngoài ra, do các quy định về đất đai còn một số kẽ hở khiến cho nhiều người tìm cách lách luật để hưởng lợi.

Các địa phương có nhiều khu công nghiệp, công nhân đông đúc, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp thường diễn ra nhiều hơn như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều là do công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, nhất là chính quyền cấp cơ sở còn lỏng lẻo. Nhiều xã, phường chưa chủ động kiểm tra, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, dẫn đến người dân tự ý phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng nhà trái phép. Đặc biệt là tình trạng xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp, thường gần hoàn thành, UBND phường, xã mới phát hiện nên rất khó khăn trong xử lý, cưỡng chế khắc phục hậu quả.

Cùng với đó, có nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp diễn ra nhiều năm, khó xử lý dứt điểm là do nhiều người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về nhà ở. Tuy đất dự án khu dân cư thương mại ở Đồng Nai được rao bán nhiều, nhưng giá từ 1,5-4 tỷ đồng/nền, đa số người lao động không đủ khả năng mua để xây dựng nhà ở. Do đó, nhiều người lao động đã chọn mua đất nông nghiệp phân lô theo hình thức giấy tay, vi bằng hoặc đồng sở hữu với giá chỉ bằng 10-20% so với đất nền dự án có đầy đủ giấy tờ, và xây dựng nhà ở trái phép.

Các sở, ngành, địa phương cho rằng muốn giải quyết tận gốc tình trạng phân lô, bán nền thì phải gấp rút đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đồng Nai hiện đang có khoảng 1,2 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, trong đó hơn 40% có nhu cầu về nhà ở.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh này cho rằng, các địa phương ưu tiên quy hoạch đất ở, mời gọi đầu tư, triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội để người có thu nhập thấp có thể mua nhà, như vậy sẽ hạn chế tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép. Các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh tổng hợp lại những trường hợp chuyển nhượng đất nông nghiệp đồng sở hữu từ 5-15 người/ngàn m2 để có giải pháp ngăn chặn, vì đây là hình thức biến tướng của phân lô, bán nền.

Ngoài ra, ngành Công an phải điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phân lô, bán nền trái phép và công khai rộng rãi để răn đe. Các sở ngành, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định pháp luật về đất đai, không mua, bán đất trái phép. Những khu đất phù hợp quy hoạch đất ở, địa phương giải quyết chuyển đổi nhanh cho người dân để họ xây dựng nhà ở sẽ giảm bớt vi phạm về sử dụng đất.

Theo Phương Nga/ Doanh nghiệp và Tiếp thị