Sốt đất thường xảy ra vào thời điểm nào, ở đâu?

09/06/2022 12:50

Tại sao sốt đất lại xảy ra ở thời điểm này mà không phải thời điểm khác, hay tại sao sốt đất xảy ra tại khu vực này mà không xảy ra ở khu vực khác... là những câu hỏi mà nhiều người đang tìm câu trả lời.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
Tại sao sốt đất lại xảy ra ở thời điểm này mà không phải thời điểm khác, hay tại sao sốt đất xảy ra tại khu vực này mà không xảy ra ở khu vực khác... là những câu hỏi mà nhiều người đang tìm câu trả lời.

Sốt đất len lỏi đến những vùng quê ven biển của tỉnh Quảng Nam

Khu vực nào dễ xảy ra sốt đất?

Lo ngại về nguy cơ xảy ra sốt đất cùng vi phạm pháp luật về đất đai có thể xảy ra, ngày 25/5 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh này yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, chuyển quyền trái phép, lấn, chiếm đất, tách thửa phân nhỏ trái phép, hợp thức hóa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi tách thửa trái phép trong các khu vực có liên quan.

Cụ thể là khu vực dự kiến quy hoạch sân bay Nhân Cơ mở rộng; khu vực Tà Đùng tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong; khu vực xây dựng tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Cùng với đó là các khu vực kêu gọi thu hút đầu tư dự án như Khu đô thị Lửa và Nước Đắk R'Tih quy mô hơn 752 ha, tổng vốn đầu tư 53.056 tỉ đồng; khu đô thị thung lũng xanh Nghĩa Phú quy mô hơn 47 ha, tổng vốn đầu tư 1.609 tỉ đồng; khu đô thị của ngõ Nghĩa Phú hơn 42 ha, tổng vốn đầu tư 8.662 tỉ đồng.

Không chỉ có Đắk Nông mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã đồng loạt vào cuộc chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn.

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp trái phép; tự ý phân lô bán nền trái pháp luật đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất không được quy hoạch là đất ở.

Đồng thời xử lý tình trạng đầu cơ, gây bong bóng giá bất động sản, rủi ro cho người mua đất, cản trở thu hút đầu tư, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông,... đang có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi bán lại bất động sản gây “sốt ảo”, có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật; quảng cáo, rao bán sản phẩm của dự án khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa được cơ quan nhà nước ban hành văn bản đủ điều kiện huy động vốn.

Cơn sốt đất nền tại Cam Lâm kéo dài khiến giá đất thị trường tăng cao buộc UBND tỉnh Khánh Hòa phải điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá đất

Sốt đất thường xảy ra vào thời điểm nào?

Mổ xẻ những khu vực xảy ra sốt đất trong thời gian qua có thể thấy sốt đất thường xảy ra vào thời điểm có những thông tin tích cực, chính thống về những chủ trương, định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội tại một địa bàn.

Đơn cử như thời điểm gần cuối năm 2021, cơn sốt đất nền mới bắt đầu xuất hiện tại khu vực huyện Cam Lâm và kéo dài liên tục trong nhiều tháng liền khiến giá đất giao dịch trên thị trường tăng mạnh.

Đây là thời điểm mà dư luận xôn xao trước thông tin Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư các dự án bất động sản quy mô lớn vào khu vực huyện Cam Lâm.

Đồng thời tỉnh Khánh Hòa cũng đang tổ chức lập đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là cơ hội để Khánh Hòa nói chung và huyện Cam Lâm nói riêng phát triển bức phá trong giai đoạn tới.

Nghị quyết đã xác định thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Tháng 3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa về chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm.

Theo đó, mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những định hướng phát triển kinh tế xã hội nêu trên được thống nhất xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đã mở ra cơ hội đầu tư phát triển mới cho đô thị Cam Lâm. Qua đó cho thấy không phải ngẫu nhiên mà huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa xảy ra sốt đất trong một thời gian dài.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương chưa khởi công xây dựng, giao dịch đất nền tại Lâm Đồng đã sôi động (ảnh minh họa)

Nhà đầu tư đã cẩn thận hơn?

Cơn sốt đất xảy ra tại một địa bàn còn xuất phát từ thực tiễn nhu cầu đầu tư nhà đất đón đầu các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn.

Song không phải thời điểm nào có địa phương công bố thông tin về việc sẽ đầu tư dự án giao thông lớn thì cũng xảy ra sốt đất tại khu vực đó. Bởi lẻ, để chủ trương đầu tư dự án chính thức được triển khai trong thực tiễn là cả một quá trình dài, thậm chí có dự án không thể triển khai đúng như dự kiến vì gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan.

Nhận thức được điều này, nhiều nhà đầu tư cũng đã bắt đầu cẩn thận hơn trước khi xuống tiền đầu tư nhà đất ăn theo các dự án hạ tầng giao thông lớn. Đơn cử như cơn sốt đất xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng ăn theo dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương thời gian qua.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu giây - Liên Khương đã được đưa vào Nghị quyết đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011-2015 (năm 2010), nhưng mãi đến năm 2021 dự án này mới rục rịch triển khai các hồ sơ thủ tục có liên quan.

Theo đó, năm 2010, Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định có 16 công trình trọng điểm sẽ đầu tư tại địa phương, trong đó có dự án đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian kéo dài, Lâm Đồng vẫn chưa thể triển khai dự án này.

Mãi đến ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1848/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã định hướng phát triển tuyến cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt.

Tiếp theo sau đó, năm 2020, Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định việc tiếp tục triển khai đầu tư 8 công trình trọng điểm của giai đoạn 2016-2020. Trong đó có dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Tiếp đến ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và các Bộ ngành liên quan về dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc phương án đầu tư dự án và chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về mặt nguyên tắc đầu tư dự án cao tốc nêu trên, cơn sốt đất nền đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt là tại những địa phương mà dự kiến tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ đi qua.

Nhận định về lượng giao dịch bất động sản diễn ra sôi động trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhiều sở ngành tại tỉnh Lâm Đồng cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những thông tin tích cực về việc triển khai dự án cao tốc Dầu giây - Liên Khương,...

Theo Lê Phước Bình/CafeLand