Sửa đổi Luật Đất đai: Đừng có ràng buộc gì khác khiến thị trường ‘méo mó’

07/04/2022 09:47

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam về yêu cầu cơ bản trong sửa đổi Luật Đất đai, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Đừng có ràng buộc gì khác khiến thị trường “méo mó”.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Thủ tục hành chính đất đai đang đi “giật lùi”

Theo GS Đặng Hùng Võ, có rất nhiều ý kiến cho rằng thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn vướng mắc, cho dù chúng ta có đến gần 30 năm cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện này hôm nay vẫn cứ “lên bổng xuống trầm”.

“Phải nói rằng thủ tục hành chính về đất đai đang đi “giật lùi” so với năm 2003. Năm 2003 Việt Nam đã phấn đấu thiết lập hệ thống hồ sơ về thủ tục hành chính đơn giản. Thời hạn thực hiện thủ tục thực hiện quyền sử dụng đất chỉ mất 2 tuần theo quy định trong luật. Tuy nhiên, đến nay, tại Hà Nội, thời hạn này lên tới 45 ngày, số lượng hồ sơ nhiều hơn. Ngoài hồ sơ về giấy chứng nhận, hộ khẩu, căn cước, vẫn còn 4 hồ sơ liên quan đến thuế mà người sử dụng đất phải kê khai”, ông Võ nói.

GS Đặng Hùng Võ trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.  
GS Đặng Hùng Võ trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.  

Ông Võ cho rằng, Chính phủ đã ban hành nghị định về cơ chế một cửa, qua đó quy định rõ người dân chỉ đến nộp một cửa những hồ sơ tối thiểu quy định theo luật, nghị định, sau đó các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trao đổi với nhau.

Như vậy, khai thuế là việc của Nhà nước căn cứ vào địa chính, không thể bắt người dân đi khai 4 hồ sơ về thuế được.

Cơ chế tiếp cận đất đai không sòng phẳng

Đánh giá về nạn tham nhũng liên quan đến đất đai ngày càng có nhiều dấu hiệu phức tạp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Hệ thống quản lý đất đai của Việt Nam vướng phải nhược điểm rất lớn.

Các nước thường rất quan tâm tới việc nhà nước có thu được giá trị đất đai tăng lên do hạ tầng nhà nước đầu tư mang lại hay không (họ cố gắng thu được giá trị cao nhất để có phần chia sẻ giữa nhà nước với người sử dụng đất và nhà đầu tư).

Thông thường, nhà nước sẽ thu từ 50% - 70% giá trị đất đai tăng lên, còn lại, chia cho các đối tác khác (không làm ra giá trị gia tăng này nhưng vẫn được hưởng). Đây là một nguyên lý.

Tại Việt Nam, ngoài Đà Nẵng trực tiếp thu được giá trị đất đai tăng lên cho Nhà nước trong thời kỳ quy hoạch lại thành phố, còn lại, các địa phương hiện nay đều đã chuyển tiền giá trị đất đai tăng thêm (nhẽ ra nhà nước được hưởng) sang cho tất cả đối tác khác (trong đó có cả một số lãnh đạo địa phương). Điều này khiến cho việc phân phối các giá trị đất đai tăng thêm do Nhà nước đầu tư không đúng chỗ.

Cơ chế tiếp cận đất đai hiện còn chưa sòng phẳng.  
Cơ chế tiếp cận đất đai hiện còn chưa sòng phẳng.  

Chuyện ở Việt Nam ai cũng thấy những người giàu lên là giàu lên từ đất và nghèo đi cũng chủ yếu nghèo đi vì không có đất. Thực tế có những doanh nghiệp rất mạnh mẽ và trở thành đại gia cũng chẳng qua là từ kinh doanh bất động sản. Trong khi, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận đất đai. Ở đây, có vẻ cơ chế tiếp cận đất đai không sòng phẳng, không bình đẳng, tạo ra khoảng cách giàu nghèo giữa các doanh nghiệp chứ không nói tới người dân”, ông Võ nói.

Đừng có ràng buộc gì khác khiến thị trường “méo mó”

Trước thực trạng có những doanh nghiệp được gắn mác đại gia về đất đai, hàng ngàn hàng triệu tỷ đồng (mà không biết cụ thể là bao nhiêu từ đất đai và thị trường chứng khoán), nhưng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn có đất đầu tư dự án mà không có, ông Võ khuyến nghị phải sửa đổi Luật Đất đai sao cho câu chuyện tiếp cận đất đai phải bình đẳng.

Bình đẳng ở đây không phải là chia đều quyền sử dụng đất cho mọi người, doanh nghiệp mà vấn đề là chúng ta làm sao để mọi người có quyền tiếp cận bình đẳng. Từ đấy sử dụng đất theo sức của mình, làm ra của cải vật chất chứ không phải là tích trữ đất đai chờ lên giá thông qua ăn chênh lệch, giá ảo, tạo nguồn cơn gây lạm phát cho nền kinh tế.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nhà lãnh đạo rất kỳ vọng sửa đổi Luật Đất đai lần này, góp phần thực hiện mục tiêu năm 2045 Việt Nam trở thành nước CNH-HĐH.

Sửa Luật Đất đai phải hướng tới mục tiêu đó, bởi đất đai có vai trò cực kỳ quan trọng. Việt Nam có nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường, nhiều tư duy bao cấp vẫn còn, khi chúng ta buộc phải vận hành kinh tế thị trường.

“Đừng có ràng buộc gì khác khiến cho thị trường “méo mó”. Đây chính là e ngại về sự chưa sửa được tận gốc vấn đề của Luật Đất đai. Về sở hữu, tôi khẳng định sở hữu toàn dân hay sở hữu nào đi nữa cũng không ảnh hưởng gì đến cơ chế kinh tế về đất đai, chỉ có điều, chúng ta phải thừa nhận quyền tài sản về đất đai thuộc về những người sử dụng đất. Quyền sở hữu sẽ không quá quan trọng nếu chúng ta làm rõ được quyền tài sản về đất đai một cách minh bạch, rõ ràng”, ông Võ khuyến nghị.

Theo Hà Anh/Doanh nghiệp Việt Nam