Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang nền kinh tế toàn cầu, bao gồm nền kinh tế Mỹ.
Theo CNN, hôm 8/11, ngân hàng trung ương của Mỹ đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc có thể làm gia tăng "căng thẳng tài chính" tại đất nước 1,4 tỷ dân, "tạo áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ".
Trong báo cáo định kỳ 6 tháng, FED đã nhắc đến cuộc khủng hoảng của China Evergrande - nhà phát triển bất động sản nợ nần nhất thế giới. Tập đoàn từng cảnh báo rằng có thể không trả được khoản nợ hơn 300 tỷ USD.
Giới quan sát lo ngại rằng hố nợ của China Evergrande có thể lây lan sang lĩnh vực bất động sản và thị trường tài chính.
Khoản tiền phải trả của China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn đã lên đến hơn 300 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Rủi ro lây lan
Nhiều tập đoàn bất động sản tại Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn. "Dù các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp để hạ nhiệt thị trường bất động sản, các lỗ hổng tài chính vẫn có nguy cơ tiếp tục gia tăng", FED nhấn mạnh.
Theo FED, với quy mô nền kinh tế, hệ thống tài chính của Trung Quốc và sức ảnh hưởng trên toàn cầu, "sự căng thẳng tài chính ở Trung Quốc có thể làm gia tăng sức ép đối với thị trường tài chính toàn cầu", bởi nhiều nhà đầu tư trở nên e dè hơn. FED cho rằng điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tác động tới Mỹ.
China Evergrande là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn cũng nằm trong Global 500 - các doanh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo doanh thu.
Những lo ngại đối với khủng hoảng nợ của China Evergrande và triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến các thị trường chứng khoán Hong Kong, New York và những thị trường lớn khác chao đảo.
Dù các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp để hạ nhiệt thị trường bất động sản, các lỗ hổng tài chính vẫn có nguy cơ tiếp tục gia tăng
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
Trong những tuần qua, China Evergrande đã xoay xở để trả nợ các trái chủ nước ngoài. Tập đoàn huy động được khoảng 144 triệu USD nhờ bán cổ phần trong công ty truyền thông HengTen Networks Group.
Nhưng China Evergrande sẽ phải thanh toán khoản tiền lớn hơn nhiều trong những tháng tới.
Rắc rối của China Evergrande được coi là phép thử lớn đối với Bắc Kinh. Ban đầu, một số nhà quan sát lo ngại rằng hố nợ của China Evergrande có thể là "sự kiện Lehman Brothers" của Trung Quốc. Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bom nợ khổng lồ
Ông Zou Lan - người đứng đầu thị trường tài chính tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) - tuyên bố rằng China Evergrande đã đa dạng hóa và mở rộng một cách mù quáng.
"Điều đó đã dẫn đến hoạt động và tài chính của tập đoàn xấu đi nghiêm trọng", ông Zou bình luận. Tuy nhiên, ông khẳng định mức độ ảnh hưởng của nhà phát triển bất động sản với các tổ chức tài chính là không lớn. PBoC khẳng định hoàn toàn "có thể kiểm soát" nguy cơ khủng hoảng nợ của China Evergrande tràn vào hệ thống tài chính của quốc gia 1,4 tỷ dân.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc không trực tiếp giải quyết những thách thức của China Evergrande. Vào tháng 8, PBoC và các cơ quan quản lý khác đã triệu tập ban lãnh đạo của tập đoàn. Họ thúc giục China Evergrande giải quyết những vấn đề nợ nần và không làm mất ổn định các thị trường nhà đất, tài chính.
Tháng trước, giới chức Trung Quốc đã kêu gọi các công ty trả nợ, gốc và lãi trái phiếu ở nước ngoài, theo một tuyên bố của chính phủ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu cái tên nào cụ thể.
Các ước tính chỉ ra ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ khổng lồ 5.200 tỷ USD. Ảnh: Reuters.
Các ước tính chỉ ra ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ khổng lồ 5.200 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Nhưng trong những tuần gần đây, một loạt nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã thừa nhận các vấn đề về dòng tiền của họ. Nhiều công ty tuyên bố khả năng vỡ nợ hoặc yêu cầu bên cho vay lùi thời hạn trả nợ.
Bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp này đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, giới quan sát đặt ra câu hỏi rằng liệu động lực tăng trưởng này có phải một quả bom hẹn giờ của nền kinh tế hay không. Một phần nguyên nhân là những khoản nợ khổng lồ của các tập đoàn bất động sản.
Theo các chuyên gia kinh tế tại Nomura, ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ khổng lồ 5.200 tỷ USD. Quy mô nợ tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2016 và lớn hơn GDP Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.