Thủ thuật “xảo ngôn”, biến không thành có của Hoa Lâm - Shangri La?

17/12/2021 08:26

Việc Hoa Lâm Shangri-La đề nghị điều chỉnh từ “phục vụ” thành “ưu tiên bán”, tại lô D2 và D3, có vẻ dễ chấp nhận, nhưng nó lại chứa nội hàm biến khu đất y tế thành dự án bất động sản.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Xin bỏ từ “phục vụ” để cứu thua 1.000 tỷ

Ngày 8/9/2017, UBND TP.HCM có văn bản số 5594/UBND-DA, do Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến ký, trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị điều chỉnh mục tiêu dự án tại lô D2 và D3 - Khu y tế kỹ thuật cao, của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La.

Theo văn bản này, dự án Khu Y tế kỹ thuật cao đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm và Shangri-La Healthcare Investment PTE.LTD (Singarpore) hợp tác thành lập doanh nghiệp để đầu tư, xây dựng tại công văn số 925/TTg-KGVX ngày 21/6/2008. Nay Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La đề nghị điều chỉnh mục tiêu và chức năng quy hoạch cho 2 hạng mục thành phần về nhà ở, tại lô D2 và D3 của Khu Y tế kỹ thuật cao từ “Khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” thành “Xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao)”.

Cũng theo văn bản này, đối với lô đất D2 và D3 có chức năng nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shangri-La đã thành lập công ty con là Công ty TNHH Hoa Lâm - Shangri-La 5 và đã được UBND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư tại quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 20/4/2017 (quyết định đầu tư khu nhà ở D2) và quyết định số 3228/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 (quyết định đầu tư khu nhà ở D3).

Dự án Khu y tế kỹ thuật cao biến tướng, xuất hiện đại siêu thị và dự án kinh doanh bất động sản

Về đề nghị của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shangri-La, UBND TP.HCM cho biết, ngày 24/7/2012, doanh nghiệp này có văn bản đề nghị điều chỉnh mục tiêu hoạt động và chức năng quy hoạch của lô đất D2 và D3 từ “khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của dự án Khu y tế Kỹ thuật cao” thành “xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ”.

Lý do điều chỉnh là bởi Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shangri-La đã đóng tiền thuê đất 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê (69 năm). Do đó, theo ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 5374/BTC-QLCS ngày 3/5/2013 và công văn số 11243/BTC-QLCS ngày 17/8/2015 thì Công ty có quyền được xây dựng khu nhà ở để bán và cho thuê.

UBND TP.HCM cũng dẫn theo báo cáo của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La rằng, việc quy định rõ cụm từ “phục vụ” thành “bán” là để hỗ trợ công ty giải quyết khó khăn như: Công ty lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là 1.000 tỷ đồng; đội ngũ y bác sỹ, cán bộ công nhân viên rất băn khoăn khi có từ “phục vụ” và cũng đề nghị được điều chỉnh là Khu căn hộ để bán phục vụ cho nhu cầu nhà ở của y, bác sỹ, cán bộ công nhân viên làm việc tại Khu Y tế…

Căn hộ cho thuê, phục vụ Khu y tế, biến thành căn hộ thương mại

Theo phân tích của các chuyên gia, dự án Khu y tế kỹ thuật cao ban đầu là dự án xã hội hóa, thuộc lĩnh vực y tế, là lĩnh vực được ưu đãi đầu tư. Toàn bộ quy hoạch khu đất khi được giao làm dự án là đất y tế, được cho thuê có thời hạn.

Như vậy, quy hoạch sử dụng đất tại lô D2 và D3 cũng là đất y tế, với mục đích là phục vụ cho nhu cầu ở của những người làm việc trong khu y tế. Điều này cũng giống như các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, có khu nhà ở cho thuê dành cho công nhân, chuyên gia.

Bất chấp việc dự án chưa được công bố kết luận thanh tra, sàn Rever vẫn chạy quảng cáo bán căn hộ AIO City 

Nếu đúng mục đích ban đầu được Thủ tướng phê duyệt, khu nhà ở tại lô D2 và D3 chỉ được cho thuê, và đối tượng thuê là người làm trong Khu y tế kỹ thuật cao. Như vậy mới đúng nghĩa cụm từ “Khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao”.

Còn nếu thay đổi thành “Xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao)”, có nghĩa là phải thay đổi quy hoạch sử dụng đất từ đất y tế thành đất ở, biến khu nhà ở cho thuê thành khu nhà ở để bán và người mua được sở hữu lâu dài.

Bên cạnh đó, việc đưa vào cụm từ “ưu tiên bán” có vẻ rất nhân văn với bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao, nhưng thế nào là ưu tiên bán thì rất mơ hồ. Đơn cử việc chủ đầu tư đưa một số căn hộ ra cho nhóm này mua trước khi chào bán ra bên ngoài (với cùng mức giá bán) cũng được gọi là ưu tiên, dù chủ đầu tư không mất gì cả.

Với thủ thuật xảo ngôn như vậy, nếu không thận trọng xem xét thì cơ quan chức năng cũng dễ rơi vào “bẫy” ngôn từ của Hoa Lâm Shangri-La.

Bài tiếp: Biến tướng tại Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La, Thủ tướng chưa xem xét, TP.HCM đã ra quyết định vượt thẩm quyền?

Theo Kỳ Anh/ Reatimes